Thứ ba, 21/2/2012, 08h02

“Đất” dụng võ cho sinh viên trường sân khấu

Sân khấu Kịch Phú Nhuận rất mạnh dạn tạo đất diễn cho các diễn viên trẻ vừa tốt nghiệp trường sân khấu. Ảnh: H.THANH 

Có lẽ do sức hút của ánh hào quang sân khấu và sự nổi tiếng nên hàng năm, cứ đến mùa tuyển sinh, các trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM… thu hút đông đảo bạn trẻ thi vào học. Cách đây vài năm, sau khi tốt nghiệp, rất ít sinh viên tìm được “đất” dụng võ theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ đã được đào tạo. Nhưng nay, mọi chuyện đã khác…
Thực trạng trước đây
Những năm trước, khi các bộ phim truyền hình, sân khấu kịch và sàn diễn cải lương chưa nở rộ như hiện nay thì có một thực trạng đáng buồn là số lượng sinh viên ra trường so với số lượng theo nghề còn quá cách biệt. Một số sinh viên may mắn được nhận về các sân khấu kịch nhưng rồi suốt ba bốn năm trời chỉ xuất hiện vài “khoảnh khắc” trong những vai phụ. Có nhiều sinh viên tốt nghiệp với mảnh bằng loại giỏi, nhưng vốn thụ động nên vẫn phải miệt mài chờ đợi một vai diễn. Còn sinh viên nào năng động, nhanh nhạy thì tự tìm cho mình cơ hội xuất hiện trên sân khấu kịch, truyền hình, phim ảnh trong những vai diễn dài hơi. Nhưng sự nổi tiếng thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Sinh viên khoa kịch xem ra còn may mắn hơn sinh viên khoa cải lương bởi lúc ấy, các đoàn cải lương dường như đã tạm ngưng hoạt động. Diễn viên gạo cội, ngôi sao bỏ đoàn chạy show về các đoàn tỉnh để kiếm thu nhập cao hoặc đi lưu diễn nước ngoài. Chính vì thế mà các sinh viên khoa cải lương ra trường “đất” diễn càng bị thu hẹp hơn. Cũng có một số sinh viên ngậm ngùi chia tay với nghệ thuật để chuyển hẳn sang lĩnh vực khác nhưng vẫn không nguôi ngoai nỗi nhớ sân khấu. Riêng  sinh viên khoa điện ảnh thì thỉnh thoảng mới được mời tham gia vài vai quần chúng trong các bộ phim truyền hình dài tập, tiền thù lao  tuy thấp nhưng ai cũng rất vui vì có mặt trên màn ảnh để khoe với người thân, bạn bè. Bản thân các bạn cũng nuôi dưỡng một ước mơ là sau những vai quần chúng như thế sẽ được đạo diễn “để mắt” mời vào vai chính. Biết đâu sẽ được nổi tiếng bởi có không ít trường hợp như thế. Sinh viên khoa đạo diễn còn bi đát hơn vì ít được các nhà đầu tư tin tưởng giao cho kịch bản để thử sức mình.
Cửa rộng đã mở…
Còn hiện nay, Sân khấu Kịch Phú Nhuận, Sân khấu Hoàng Thái Thanh đã mạnh dạn tạo “đất” diễn cho các diễn viên trẻ đã và đang chuẩn bị tốt nghiệp trường sân khấu. Đó là một cách làm hay giúp cho các sinh viên có thêm niềm tin, hy vọng về ngành nghề mà mình theo học. Sự xuất hiện của một dàn diễn viên trẻ trên hai sân khấu kịch này trong khá nhiều vở diễn gần đây tạo được sự chú ý cũng như sự tin tưởng của khán giả. Sân khấu Kịch 5B, IDECAF và Nhà hát Kịch Thành phố hiện cũng đang có sự góp mặt của rất nhiều sinh viên trường sân khấu qua hàng loạt vở mới của đạo diễn Công Ninh, Thanh Hoàng, Vũ Đình Toàn, Hoàng Duẩn… vì các đạo diễn này cũng vốn xuất thân từ trường sân khấu nên hơn ai hết, họ rất hiểu nỗi trăn trở về “đất” diễn của các sinh viên. Đặc biệt là Sân khấu Thế Giới Trẻ (trực thuộc Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM) đã tạo đất diễn cho các bạn sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp các bạn có địa điểm tốt để thực hành, thực tập và thi tốt nghiệp. Chính trên sân khấu này, thời gian qua đã tạo được tiếng vang qua một số vở do chính sinh viên biểu diễn. Đối với sinh viên khoa cải lương, sau khi tốt nghiệp, nếu đồng ý về diễn ở các đoàn tỉnh như Hương Tràm, Cao Văn Lầu, Long An, Tây Ninh… thì về, còn không “đất” diễn chính là Đoàn xung kích Nhà hát Trần Hữu Trang. Ngoài ra, chương trình Thắp sáng niềm tin của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ra đời cũng tạo sự phấn khởi cho nhiều sinh viên. Nếu như vài năm trước, chương trình này chỉ tập trung cho các HCV triển vọng giải Trần Hữu Trang, “Chuông vàng vọng cổ” thì nay, sinh viên trẻ mới ra trường dễ dàng “chen chân” vào được. Nghệ sĩ  Linh Huyền với vai trò Giám đốc Công ty Mekong Artist cũng mở lớp đào tạo cải lương dành cho diễn viên trẻ giống như lớp Đồng Ấu Bạch Long của nghệ sĩ Bạch Long trước kia. Nhờ sự đầu tư chu đáo mà các diễn viên trẻ có khả năng diễn xuất cũng như ca diễn rất chuyên nghiệp. Nhà hát Cải lương Kim Châu và chương trình Sân khấu Du lịch tại Nhà hát Thành phố chính là “đất” diễn của các sinh viên này.Mới đây nhất, Sân khấu Cải lương miễn phí Sen Việt ra đời tại rạp Nam Quang khiến nhiềusinh viên vừa tốt nghiệp hay sinh viên khoa cải lương các trường nghệ thuật ở TP.HCM rất  hồ hởi. Đạo diễn Nguyên Đạt - người triển khai Sân khấu Sen Việt đồng thời cũng là Trưởng khoa Kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM cho biết: “Sen Việt mang tính mô phạm của nhà trường vì đây gần như là sân khấu thực tập của thầy trò khoa kịch hát dân tộc trường chúng tôi. Sinh viên có thể đến đây thực hành, rèn luyện việc ca diễn, còn thầy cô trong khoa đến để thực tập công tác dàn dựng hoặc ngón đàn”. TS.NSƯT Bạch Tuyết cũng nhận lời giảng dạy cho lớp cải lương K30, hệ trung cấp, Trường Cao đẳng Văn hóa TP.HCM. Xen kẽ giữa lịch biểu diễn là những chuyến đi tập huấn, nâng cao nghề nghiệp cho các sinh viên trên toàn quốc. NSƯT Bạch Tuyết cho biết: “Tôi muốn nối bước má Bảy Phùng Há, dạy là học, “đất” diễn cho học trò của tôi chính là chương trình cải lương truyền hình do tôi làm đạo diễn”. Mong rằng những “cánh cửa mở” như thế này sẽ còn nhân rộng ra nữa…
HIỆP THANH - HÒA BÌNH
Đạo diễn - NSƯT Trần Ngọc Giàu khẳng định: “Phải tạo “đất” diễn cho các sinh viên hoạt động cũng như dám cho các em thử sức nhiều vai lớn thì mới giúp các em phát huy khả năng của mình. Còn không dám cho thử thì khó có thể tìm được một thế hệ diễn viên trẻ kế thừa”.