Thứ ba, 9/8/2016, 20h07

Đất học làng Mai

Với địa thế vững vàng bên ngã ba sông - đoạn hợp lưu của con sông Cánh Hòm và sông Hiếu, làng Mai Xá (xã Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị) - một trong 65 ngôi làng cổ thuộc châu Minh Linh, phủ Tân Bình, xứ Thuận Hóa (theo Ô Châu cận lục của Dương Văn An), mà còn được biết đến bởi một vùng đất nghèo, ít ruộng nông nghiệp, người dân một phần sống nhờ nghề buôn đồng nát và cào hến ven sông nhưng có truyền thống hiếu học với hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ và cử nhân thành đạt…

Học sinh làng Mai đang chăm sóc vệ sinh sân đình

1.Về Mai Xá (làng Mai), hỏi thăm những gia đình có con cái ăn học đỗ đạt, ông Trương Hữu Uyển, trưởng làng phấn khởi cho biết: “Người Mai Xá xưa kiên cường, gan dạ đấu tranh giành độc lập. Quê hương hòa bình, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, bữa ăn hàng ngày có thể thiếu hụt nhưng không ai để con cái thất học. Lớp trước truyền tinh thần hiếu học cho lớp sau vươn tới, làng và những dòng họ đứng ra thành lập quỹ khuyến học để tiếp sức cho con em. Người Mai Xá hôm nay luôn tự hào về tinh thần hiếu học của mình!”. Theo chân ông Uyển, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Ngọc Khả - một trong những gia đình tiêu biểu về nghị lực vượt khó nuôi con ăn học ở làng Mai. Đang đánh vật với khoảnh vườn nhỏ để trồng rau lang, ông Khả vui vẻ nói: “Ở đây, tui cũng như bà con, luôn nghĩ rằng chỉ có con chữ mới giúp con cháu mình có công ăn việc làm đỡ vất vả như đời cha mẹ. Nghĩ rứa rồi cùng cố gắng”. Để nuôi được các con ăn học đến nơi, đến chốn, ngoài mấy sào ruộng khoán, ông cật lực chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm. Vợ ông - bà Đỗ Thị Thúy tranh thủ thời gian rảnh giữa các nông vụ, rong ruổi khắp nơi để làm nghề thu mua đồng nát. Cuộc sống đắp đổi qua ngày, còn lại dồn hết lực cho các con. Ông Khả kể lại: “Thời con còn 5 đứa đi học, hai vợ chồng làm lụng cật lực không đủ, cứ đến kì học phí của con là lại vắt áo lên vai đi vay mượn. Làm gần cả mẫu ruộng nhưng cứ tới vụ mùa, chưa kịp mừng vì nhiều lúa đã phải bán để lấy tiền cho con ăn học. Những lúc cực quá, hai vợ chồng an ủi nhau, ráng làm thêm tí nữa cho đời các con đỡ khổ. Rứa rồi cũng qua!”. Ngừng giây lát như để ngẫm về đoạn đường đã qua, ông Khả cười vui bảo: “Ba đứa con trai đầu đều đã tốt nghiệp ĐH Huế, nay đã có việc làm ổn định ở các cơ quan trong tỉnh. Cháu út năm nay lên lớp 12, vừa rồi cháu đoạt giải nhất môn sử cấp tỉnh”. “Ở ngưỡng cửa tuổi 60, coi như vợ chồng tui đã đi gần hết chặng đường gánh chữ cho con rồi!”. Ông nhẹ nhàng lướt đôi bàn tay chai sần trên những tấm giấy khen của con, nâng niu thành quả bao nhiêu năm hai vợ chồng đổ mồ hôi, quăng quật sớm hôm trên đồng ruộng, in đều những bước chân khắp hang cùng ngõ hẻm với tiếng rao đồng nát khản cả giọng.

Ông Nguyễn Ngọc Khả kể về những gian truân nuôi con ăn học thành tài
Qua bao biến cố thăng trầm, bao gian truân vất vả, người dân làng Mai vẫn một lòng chăm chút cho mầm chữ tươi xanh!

2. Ở làng Mai, gia đình hiếu học như gia đình ông Khả rất nhiều. Người làng Mai quan niệm, học hành đỗ đạt là điều cốt yếu nhất trong xây dựng gia đình, quê hương bền vững. Câu chuyện được nhắc đến giữa chiếu đình làng là câu chuyện học. Họ “đọ” nhau bởi tấm bằng - minh chứng của tri thức chứ không màng đến đời sống giàu sang. Những dòng họ như Trương Quang, họ Bùi… được biết đến với nhiều người đỗ đạt nhất nhì làng. Tộc Trương Quang tự hào là dòng tộc có gần 200 cử nhân, cao đẳng, 15 thạc sĩ, tiến sĩ. Con cháu của dòng họ Trương Quang công tác trên mọi miền đất nước, từ các bộ, ban ngành, viện đến địa phương với các chức vụ như: đại sứ của Bộ Ngoại giao, vụ trưởng của Bộ Công nghiệp (cũ), vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Công thương, giảng viên, cán bộ ở các trường đại học lớn tại Hà Nội, TP.HCM. Dòng họ Bùi cũng không kém cạnh với 15 người có trình độ thạc sĩ, 5 giáo sư và tiến sĩ. Như GS.TS Bùi Thế Vĩnh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính); PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, TS. Bùi Trọng Ngoãn (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM); TS. Bùi Minh Tâm (ĐH Cần Thơ); TS. Bùi Minh Thành, và 297 cử nhân, cao đẳng khác… Người làng Mai còn thành công ở nước ngoài như GS.TS Lê Văn Huy, hiện sống và làm việc tại Mỹ. Năm 2012, TS. Lê Văn Huy trở thành người đầu tiên trên thế giới nghiên cứu và khám phá ra hệ thống “Bộ nhạy cảm thông minh” được sử dụng trong động cơ trực thăng của Mỹ. Ông là thành viên Hội Quang học quốc tế với hơn 20 phát minh khoa học…

3. Ông Trương Hữu Uyển tự hào: “Làng có ít ruộng nông nghiệp, phần đông người dân sống nhờ một phần vào nghề cào chắt chắt và buôn đồng nát nhưng phong trào khuyến học luôn được ưu tiên hàng đầu. Con em làng Mai xưa thời gian khó, đướng sá đi lại khó khăn, phương tiện không có vẫn cần mẫn cuốc bộ hàng chục cây số đến trường cấp 3, không cháu nào nản chí mà bỏ học. Nay thế hệ sau noi gương thế hệ trước để học hành đỗ đạt”.

Làng Mai hôm nay vẫn còn nguyên dáng dấp của ngôi làng cổ năm xưa với bến nước, sân đình. Người làng Mai vẫn tất bật với cuộc mưu sinh trên đồng cạn chăm bẵm cây lúa, với nghề cào đãi hến dưới đáy sông, với những bước chân vẹt mòn cùng tiếng rao mua đồng nát… Cảm phục hơn nghị lực của những người dân nơi đây. Qua bao biến cố thăng trầm, bao gian truân vất vả, người dân làng Mai vẫn một lòng chăm chút cho mầm chữ tươi xanh!

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên