Thứ năm, 6/9/2012, 10h09

Dấu ấn ngày khai trường

Ngày 19-11-1955, Bác Hồ dự lễ khai giảng Trường Đại học Nhân dân. Ảnh: I.T

Giống như trang viết đầu tiên trong một cuốn sách, ngày khai giảng luôn là ký ức đẹp trong tâm khảm những người đã từng một lần cắp sách đến trường. Theo dòng chảy cuộc đời, ngày khai trường ở mỗi thời đại cũng đổi thay theo từng biến cố thăng trầm của lịch sử.
Khi tôi biết đến trường học chữ là lúc máy bay Mỹ hung hăng đem bom ra bắn phá miền Bắc. Từ vùng đô thị, nhiều lớp học phải sơ tán vào trong tận rừng sâu núi cao.
1. Trước đó, sự kiện Vịnh Bắc Bộ do dã tâm của đế quốc Mỹ gây ra đã dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ của nhân dân trong nước và những người yêu chuộng hòa bình thế giới. Có thể nói ngày khai trường đầu tiên trong cuộc đời tôi hừng hực khí thế của quân và dân cả nước, đặc biệt là nhân dân miền Bắc luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Lớp học lùi xa thành phố phải mượn tạm nhà dân nên ngày khai giảng đơn sơ giữa vườn cây có bóng cọ xòe ô che mát những lối mòn xanh non màu cỏ. Không như các chị gái mấy năm trước đây được bận áo trắng đến trường, tôi được mẹ may cho chiếc áo màu xanh cỏ úa để theo bạn bè đến lớp. Bục sân khấu ngày khai giảng chỉ có một lá cờ đỏ và tấm ảnh Bác Hồ trang trọng đặt ở giữa. Phía dưới treo thêm “5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng” do một thầy có hoa tay viết trên nền bìa xám rất đẹp. Chỉ đọc vài lần mà đứa nào cũng thuộc.
Được nghe thầy hiệu trưởng bày tỏ cảm xúc khi đón nhận chúng tôi vào trường, đứa nào cũng hớn hở và vui sướng. Thầy ân cần khuyên chúng tôi cố gắng học giỏi, nhất là khi đất nước đã thực sự bước vào cuộc chiến tranh ác liệt và không thể nói trước được điều gì. Thầy lo lắng dặn tất cả học sinh ngày mai đi học phải mang theo túi bông băng, thuốc đỏ và cả vòng lá ngụy trang lên người. Thầy cũng không quên nhắc chúng tôi biết giúp đỡ những bạn vừa có bố đi chiến đấu hoặc con em gia đình liệt sĩ. Tôi đâu biết rằng cùng thế hệ với mình có những người sau này rất nổi tiếng như NSND Đặng Thái Sơn, nhà thơ Trần Đăng Khoa, học sinh giỏi toán quốc tế Phan Vũ Diễm Hằng, Anh hùng Nguyễn Bá Ngọc… đều lớn lên từ ngôi trường sơ tán nghèo khó mà đã làm rạng danh đất nước. 
2. Đúng 10 năm sau tôi dự buổi lễ khai giảng có ý nghĩa không kém, đó là khi được bước chân vào trường đại học. Đây cũng là năm miền Nam vừa giải phóng nên không khí rộn ràng tràn ngập khắp nơi. Giã từ cảnh bục giảng - lớp học nằm dưới hầm sâu địa đạo, thầy trò đứng lên làm chủ giảng đường thênh thang dưới bầu trời cao rộng. Nhìn lại mới thấy, giai đoạn này đất nước ta bỏ ra rất nhiều công sức tiền của để xây lại tất cả mà công trình có ý nghĩa nhất là những ngôi trường đang được hồi sinh. Một kỷ niệm thật khó quên trong ngày khai giảng ở trường đại học là chúng tôi được đón tiếp nhà thơ Tố Hữu. Ông đã tự đọc cho chúng tôi nghe bài thơ: Nước non ngàn dặm trong cảm xúc dâng trào của người con trở về thăm quê sau nhiều năm xa cách do chiến tranh ngăn phá.
3. Một mùa tựu trường thật sự có ý nghĩa nữa trong đời tôi là khi đã trở thành giáo viên dạy văn, được Bộ GD-ĐT điều động vào công tác tại trường sư phạm ở một tỉnh miền Tây Nam bộ. Năm đó kinh tế của những ngày đầu giải phóng chưa kịp hồi phục thì thiên tai bất ngờ ập đến. Ngày khai giảng, thầy trò đứng trên mảnh đất sình lầy mà cơn hồng thủy lịch sử vừa đi qua với bộn bề vất vả.
Ngày khai giảng ở trường sư phạm, do đào tạo cấp tốc nên khóa giáo sinh đầu tiên chưa đủ thời gian 2 năm phải ra trường để “lấp chỗ trống” cho đội ngũ đang thiếu hụt trầm trọng ở nhiều vùng quê nghèo. Ngày “gieo hạt” thật sự có ý nghĩa vì đây cũng là mùa “hái quả” đầu tiên. Buổi lễ khai trường có không khí đoàn tụ ấm cúng nhưng cũng nhiều cảm xúc chia ly nuối tiếc. Giống như quy luật của tự nhiên: “Tre già thì măng mọc”, chính các em giáo sinh khóa 1 đã trở thành những hạt giống trí tuệ đầu tiên được nền giáo dục cách mạng non trẻ đào tạo, đủ đức lẫn tài vun trồng trên vùng đất mới có nhiều hứa hẹn cho tương lai phía trước.
4. Tôi lại nhớ ngày khai giảng đầu tiên, khi được lên học cấp 2 thì nghe tin Bác Hồ qua đời. Buổi lễ khai giảng không có tiếng khóc nhưng mắt ai cũng ngấn lệ vì thương tiếc Người. Phút mặc niệm kính cẩn nghiêng mình dưới trời mưa tháng 9 đã thay cho lễ chào cờ và hát Quốc ca như lệ thường. Có lẽ đây là ngày khai giảng buồn nhất trong cuộc đời hàng triệu học sinh thời đó khi dành tình cảm trìu mến nhất cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. 
Nhiều năm trôi qua, điều đó có nghĩa là cuộc đời dạy và học của tôi đã qua chừng ấy mùa khai giảng. Tuy mỗi năm có những cảm xúc riêng, nhưng cho đến bây giờ dù đã đi quá nửa chặng đường đời thì những kỷ niệm về ngày khai trường vẫn luôn sống dậy mỗi khi mùa phượng vĩ sắp tàn, báo hiệu cho mọi người biết ngày tựu trường của năm học mới lại bắt đầu.
Nguyễn Hoàng Anh