Thứ tư, 30/11/2011, 09h11

Đầu tư ngân sách cho ĐH theo trọng điểm

Những bất cập về cơ chế tài chính trong các cơ sở giáo dục ĐH đã được đề cập tại hội thảo “Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập” ngày 29-11, tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ Tài chính và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) phối hợp tổ chức.
Cào bằng mức học phí thấp, nhiều hệ lụy
Theo ông Vũ Trường Giang, Vụ phó Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, mức học phí giữ nguyên từ gần 10 năm nay khiến cho việc phát triển giáo dục ĐH đang gặp nhiều hệ lụy. “Chính vì giữ mức học phí thấp mà lại phải tăng nguồn thu tài chính, cải thiện thu nhập cho giảng viên nên các trường ĐH phải mở rộng quy mô đào tạo hệ không chính quy và mở rộng cả hệ đào tạo chính quy với tốc độ tăng nhanh hơn tốc độ tăng chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước” - ông Giang nói và dẫn chứng hiện nay hầu hết giảng viên ĐH đều dạy vượt định mức giờ giảng theo quy định, thậm chí có người vượt tới 200% định mức. “Như thế thì làm sao có thời gian cho nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao nghiệp vụ?” - ông Giang đặt vấn đề.
Mức học phí giữ nguyên từ gần 10 năm nay khiến cho việc phát triển giáo dục ĐH đang gặp nhiều hệ lụy.
Sâu xa hơn, việc giữ học phí thấp và cào bằng như hiện nay còn dẫn tới tình trạng học sinh đổ xô thi vào các khối ngành kinh tế, tài chính ngân hàng… Trong khi đó, khối ngành nông - lâm - ngư, khoa học cơ bản, khoa học xã hội thì ngày càng ế ẩm.
Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, đại diện Bộ Tài chính đề xuất nên đầu tư ngân sách Nhà nước có trọng điểm. Cụ thể nên cắt giảm ngân sách đầu tư vào các ngành mà xã hội đã bão hòa về nhu cầu nhân lực như kinh tế, tài chính…; chuyển sang đầu tư cho các ngành ít học sinh đăng ký nhưng nhu cầu xã hội đang rất cần như y dược, xây dựng, nông - lâm - ngư, các ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên…
Mức học phí sẽ tăng
Giải pháp nâng học phí cũng được nhiều đại biểu đề xuất. Thứ trưởng Bộ Tài chính - TS Nguyễn Thị Minh cho rằng cần quan niệm giáo dục ĐH cũng là một dịch vụ công, để thụ hưởng dịch vụ này sinh viên (SV) phải chi trả mức học phí tương ứng với giá dịch vụ.
Theo tính toán hiện nay, học phí của SV tương ứng với 30% chi phí đào tạo, 70% do ngân sách Nhà nước chịu. Do tỉ lệ SV nghèo ở ĐH thường thấp hơn SV thuộc tầng lớp trên nên tiền ngân sách chủ yếu lại dùng hỗ trợ cho “người giàu”. Điều này tương ứng với một nghiên cứu của UNDP tại Việt Nam năm 2007, theo đó có đến 35% ngân sách Nhà nước trợ cấp cho giáo dục chảy vào con em của 20% dân cư giàu nhất nhưng chỉ có 15% dành cho con em của lớp 20% dân cư nghèo nhất.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết trong quý IV-2012, Bộ Tài Chính, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ LĐ-TB&XH sẽ cùng nghiên cứu xây dựng “Đề án đổi mới cơ chế tính giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục ĐH, CĐ và dạy nghề”. Dự kiến đề án sẽ đưa ra lộ trình cụ thể về việc tăng học phí và thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách Nhà nước đối với các trường ĐH công lập.
BẢO PHƯỢNG
Theo Pháp Luật