Thứ bảy, 21/1/2012, 18h01

Đầu tư toàn lực cho giáo dục

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (bên trái) trao Cờ thi đua đơn vị xuất sắc cho ông Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đồng hành với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) trong suốt 20 năm qua (1991-2011) là những bước khởi sắc đáng tự hào mà ngành GD-ĐT đã gặt hái được. Có thể nói, ngành GD-ĐT tỉnh BR-VT đã góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Khi tỉnh mới thành lập (năm 1991), hệ thống trường lớp của ngành còn rất thiếu thốn, chủ yếu sử dụng các cơ sở cũ là nhà cấp 4. Nhiều trường không có nhà vệ sinh, sân chơi, bãi tập thể dục, vườn hoa, cây cảnh... Một số trường mầm non (MN), tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS) còn phải học nhờ nhà dân, nhà thờ, chùa. HS các cấp chủ yếu học chay do không có thiết bị thí nghiệm.
Trường lớp khang trang hiện đại
Trước thực trạng trên, ngành GD-ĐT tỉnh BR-VT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và triển khai đề án phát triển quy mô giáo dục, kiên cố hóa trường lớp. Từ đó, nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp, sách và thiết bị trên địa bàn ngày càng chuyển biến tích cực. Cho đến nay, hệ thống trường lớp đã được phủ kín với CSVC khang trang hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu học tập của đông đảo HS. Điều đáng mừng là BR-VT đã không còn địa bàn “trắng” cơ sở giáo dục MN. Tất cả các trường trong tỉnh đều có phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành, phòng nghe nhìn, phòng vi tính, phòng học ngoại ngữ, thư viện... Hầu hết các trường THPT cùng một số trường THCS có nhà luyện tập và thi đấu thể thao đa năng. Nhiều trường có sân vận động, hồ bơi đúng quy cách.
Kể từ năm 2000, điều kiện CSVC của ngành được tỉnh đầu tư rất lớn. Chỉ tính trong hai năm trở lại đây, mỗi năm, ngân sách địa phương đầu tư hơn 500 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới trường học. Mỗi năm tỉnh có hơn 300 phòng học mới. Tính đến năm học 2010-2011, toàn tỉnh có 382 trường: 130 trường MN, 145 trường TH, 76 trường THCS, 31 trường THPT; 9 TTGDTX; 83 TTVHHTCĐ với 228.681 HS bậc MN và phổ thông, 2.833 HS GDTX. Trong đó, 116/382 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Nâng cao chất lượng GD-ĐT
Thành tích nổi bật của ngành GD-ĐT tỉnh BR-VT giai đoạn 1991-2011: 26 nhà giáo được phong tặng Nhà giáo ưu tú; 7 tập thể và 1 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng nhì; 27 tập thể và 24 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng ba; 110 lượt tập thể được tặng Cờ thi đua của Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh BR-VT; 37 tập thể và 87 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 17 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Năm học 2006-2007, được Bộ GD-ĐT tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc. Năm học 2007-2008, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen đơn vị xuất sắc đứng đầu khối các sở GD-ĐT khu vực Đông Nam bộ. Năm 2009, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng nhì. Năm học 2009-2010 và 2010-2011, được Bộ GD-ĐT tặng Cờ thi đua…
Cùng với việc đầu tư CSVC trường lớp, công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ GV cũng được ngành đặc biệt quan tâm. Năm 2000, Trường Trung học Sư phạm tỉnh được nâng cấp thành Trường CĐ Sư phạm, từng bước bổ sung nguồn GV giỏi cho địa phương. Đây chính là nơi cung cấp nguồn GV bậc MN, TH và bước đầu đáp ứng một phần GV cho bậc THCS. Nhờ sự đầu tư đúng đắn mà đội ngũ nhà giáo và cán bộ của ngành đủ về số lượng, chuẩn về trình độ, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng được yêu cầu đổi mới GD. Đến năm 2010: tỷ lệ GV đạt chuẩn ở bậc MN là 98,91% (trên chuẩn: 36,78%); bậc TH đạt chuẩn: 99,7% (trên chuẩn: 63,58%); bậc THCS đạt chuẩn: 99,66% (trên chuẩn: 38,15%); bậc THPT đạt chuẩn: 100% (trên chuẩn: 6%). Bên cạnh đó, các hoạt động như: làm đồ dùng dạy học, viết sáng kiến kinh nghiệm, thi GV dạy giỏi cũng góp phần nâng cao năng lực, trình độ, nghiệp vụ sư phạm và lòng yêu nghề cho đội ngũ sư phạm của tỉnh. Việc đổi mới phương pháp dạy học được các trường và đội ngũ GV hưởng ứng tích cực. GV đang chuyển dần từ cách dạy thuyết giảng sang hướng dẫn HS tìm tòi, khám phá kiến thức để tìm ra phương pháp tự học hiệu quả. Các phương tiện, thiết bị và đồ dùng dạy học hiện đại xuất hiện ngày một nhiều, hạn chế tới mức thấp nhất việc dạy - học chay. Một số trường THPT đã ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Mặt khác, ngành GD-ĐT tỉnh BR-VT cũng thường xuyên tổ chức thi GV dạy giỏi các cấp theo chu kỳ để rèn luyện và nâng cao tay nghề cho người đứng lớp nhằm đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới GD. Việc triển khai thực hiện các cuộc vận động và phong trào do ngành phát động đã đem lại kết quả thiết thực.
Chất lượng GD văn hóa và đạo đức ở phổ thông ổn định và phát triển bền vững. Tỷ lệ HS khá giỏi tăng, tỷ lệ HS yếu kém giảm và đặc biệt, tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT của tỉnh tăng liên tục trong 4 năm qua từ sau cuộc vận động “2 không”. Từ 69% (năm học 2006-2007) lên 71,4% (năm học 2007-2008) và tới năm học vừa qua, tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT là 97,27%, GDTX là 87,17%. Hàng năm, BR-VT có trên 35% HS tốt nghiệp THPT trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Riêng năm 2008 đạt trên 37%, năm 2009 gần 40%. So với toàn quốc, kết quả này luôn nằm ở top đầu: năm 2009 xếp thứ 17/64, năm 2010 và năm 2011 xếp thứ 14/63 tỉnh, thành. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và Trường THPT Vũng Tàu không chỉ là hai “điểm sáng” của tỉnh mà còn nằm trong top 100 trường THPT nổi tiếng cả nước.
Có thể nói, sau 20 năm, ngành GD-ĐT tỉnh BR-VT đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Để phát huy tốt những thành quả đã đạt được, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư CSVC cho các trường học theo hướng ngày càng hiện đại; tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ sư phạm, có chính sách thu hút nhân tài, quyết tâm đưa BR-VT thành trung tâm GD-ĐT của khu vực phía Nam và cả nước. Theo đó, mục tiêu tới năm 2015 của ngành GD-ĐT tỉnh BR-VT sẽ là: Tỷ lệ huy động số cháu đi nhà trẻ phấn đấu đạt 30%, đi mẫu giáo đạt 85%, trong đó trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 95-98% để thực hiện chương trình phổ cập MN 5 tuổi. Huy động 99,9% trẻ 6 tuổi nhập học lớp 1 đúng độ tuổi. Huy động 99,5% số HS hoàn thành chương trình TH và THCS. 95% thanh, thiếu niên trong độ tuổi đã tốt nghiệp THCS vào học các trường THPT, BTTHPT, TCCN và dạy nghề, trong đó 80% HS tốt nghiệp THCS vào học tại các trường THPT. Tập trung công tác đào tạo nghề, phấn đấu đáp ứng kịp thời cả về số lượng và chất lượng nguồn lao động cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội; nâng tỷ lệ lao động được đào tạo lên 70% vào năm 2015. Đến 2015, toàn tỉnh có 40-50% trường MN, 40-50% trường TH, 40-50% trường THCS, 50% trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống trường lớp của ngành đạt tiêu chuẩn hiện đại, đáp ứng đầy đủ yêu cầu đổi mới GD phổ thông, phấn đấu có đủ CSVC để hầu hết các trường được học 2 buổi/ ngày.
Quang Huy
 
Nếu những năm trước, BR-VT chỉ có trên dưới 20 giải HS giỏi quốc gia thì đến năm 2010, toàn tỉnh đã có 30 HS đoạt giải trong tổng số 55 em dự thi (2 giải nhì, 14 giải ba, 14 giải khuyến khích). Đặc biệt, em Trần Khánh Hưng và Nguyễn Hữu Thọ, HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được tham gia dự tuyển chọn vào đội tuyển thi Olympic quốc tế. Năm học 2010-2011, tỉnh cử 56 thí sinh dự thi HS giỏi quốc gia thì có 25 em đoạt giải (2 giải nhì, 8 giải ba và 15 giải khuyến khích). Trong đó,  em Nguyễn Hoàng Huy, HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được tham dự kỳ thi chọn HS dự thi Olympic Vật lý quốc tế.