Thứ tư, 13/3/2013, 15h03

Dạy con tiêu tiền

Phụ huynh có nên cho tiền để trẻ tự mua quà, mua đồ dùng học tập… hay không nên cho tiền vì con còn quá nhỏ, được tiêu tiền có thể làm hư chúng?
Nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng trẻ còn quá nhỏ để được giảng dạy về tiền bạc, nhưng trẻ lại có xu hướng chú ý đến tiền từ sớm và bắt chước theo các giao dịch mà chúng nhìn thấy cha mẹ thực hiện. Vì vậy, cha mẹ có thể tận dụng mối quan tâm tự nhiên của trẻ đối với tiền bạc và dạy cho con biết quý trọng đồng tiền, cách chi tiêu hợp lý ngay từ khi còn nhỏ.
Chị Thanh Hà (Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, mặc dù các con được cha mẹ chở đi ăn sáng hoặc ăn sáng tại nhà trước khi đến trường, nhưng khi bước vào tiểu học chị cho con một khoản tiền tiêu vặt, mỗi tuần khoảng ba đến năm chục ngàn đồng; khi con lớn hơn thì khoản tiền tiêu vặt được tăng thêm. Cuối tuần chị hỏi con còn tiền không và đã tiêu vào khoản gì; chị cũng kiểm tra rất khéo xem con nói có đúng không và nhắc nhở nếu thấy món đồ nào đó con mua là chưa phù hợp… Chị cũng dạy con thói quen tiết kiệm điện, nước sinh hoạt và nói với con rằng mỗi thành viên trong gia đình đều cần có trách nhiệm tiết kiệm điện nước, trước hết là không gây lãng phí trong sinh hoạt gia đình; đồng thời việc tiết kiệm điện, nước sinh hoạt chính là góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Cũng có nhiều phụ huynh không cho con tiêu tiền vì theo họ trẻ sẽ tùy tiện mua quà vặt, những đồ chơi không thiết thực hoặc chơi game, vì vậy khi con cái cần gì thì hỏi xin phụ huynh, nếu phù hợp thì cha mẹ sẽ mua cho…
Nuôi heo đất là bài học đầu tiên để trẻ biết tiết kiệm tiền nhằm đạt được một mục tiêu nào đó. Khi thảo luận về tiêu tiền vặt với con, phụ huynh hãy khuyến khích trẻ tiết kiệm. Việc không cho trẻ sử dụng tiền, chuẩn bị sẵn mọi vật dụng cần thiết từ quà sáng, đồ dùng học tập, quần áo, giày dép… đến khi trẻ đủ lớn; ở mức độ nào đó có thể sẽ tạo ra tính thụ động ở trẻ. Vì vậy, dạy con biết quý trọng giá trị đồng tiền và chi tiêu hợp lý sẽ giúp con không bị “thiếu trước, hụt sau” và giảm bớt rắc rối tài chính khi trưởng thành.
Ở từng độ tuổi, cha mẹ có thể cho con cùng đi mua sắm, dạy cho con biết quý trọng giá trị đồng tiền bởi nó là mồ hôi, công sức của cha mẹ vất vả mà làm ra, cho một khoản tiền tiêu vặt để con tập quản lý tiền và biết chi tiêu hợp lý. Tóm lại, nếu cha mẹ có thói quen tài chính cá nhân tốt thì những thói quen này sẽ tạo ấn tượng và ảnh hưởng tốt đối với con cái của mình.
Phạm Thị Ngần