Thứ năm, 25/5/2017, 22h29

Dạy học sinh dân tộc học tiếng Việt

“Dạy học tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai không chỉ riêng cho học sinh dân tộc thiểu số mà còn góp phần hữu ích cho hoạt động dạy học tiếng Việt trong trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực, theo xu thế một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) sắp tới”.

PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha phát biểu tại hội thảo

Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha (Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) tại Hội thảo khoa học “Dạy học tiếng Việt cho học sinh (HS) tiểu học dân tộc thiểu số” vừa tổ chức tại Trường Tiểu học Minh Đạo (Q.5, TP.HCM). Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha, hoạt động dạy học tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số không còn giới hạn ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa mà ngay tại Hà Nội hay TP.HCM ngày càng có nhiều HS học tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ thứ hai.

Trên cơ sở trình bày mô hình đánh giá ngữ liệu đọc cho HS học tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai và góc nhìn tổng quan, tác giả Nguyễn Lương Hải Như và Phạm Hải Lê (Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) tiến hành xem xét sự phù hợp của mô hình thông qua việc áp dụng đánh giá ngữ liệu đọc trong SGK Tiếng Việt ở tiểu học để hướng tới việc tạo ra một công cụ đánh giá có thể áp dụng được trong các trường học có dạy HS học tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai, và trong xu thế một chương trình nhiều bộ SGK sắp tới. Nhóm nghiên cứu có chung nhận định: Ngôn ngữ thứ nhất có những di chuyển tiêu cực đến việc thụ đắc ngôn ngữ thứ hai của HS các lớp đầu tiểu học, rõ nét nhất ở các lỗi đọc và lỗi chính tả mà các em mắc phải. Ngoài ra, những HS này cũng mắc lỗi chính tả phương ngữ do ảnh hưởng của vùng miền sinh sống. Tuy nhiên, cũng có những nhóm tác giả lại cho rằng, hiện nay ở TP.HCM, những ảnh hưởng của ngôn ngữ thứ nhất tới việc học tiếng Việt ở HS ngay từ lớp 1, lớp 2 là không đáng kể.

Qua việc khảo sát kỹ năng đọc, viết tiếng Việt của 150 HS người Hoa và người Việt học lớp 1 tại Q.5, nhóm nghiên cứu của tác giả Trần Thanh Dư (Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng ngôn ngữ thứ nhất gây những khó khăn rất đáng kể cho HS lớp 1 người Hoa khi các em học ngôn ngữ thứ hai. Theo đó, nhóm đã thiết kế, thử nghiệm một số bài tập hỗ trợ cho HS lớp 1 và nhận định: Nếu có hệ thống bài tập hỗ trợ thích hợp thì sẽ góp phần đáng kể cho việc nâng cao chất lượng đọc, viết tiếng Việt cho HS người Hoa ngay từ lớp 1.

Do hội nhập, do điều kiện phát triển kinh tế nên hoạt động dạy học tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai trong khoảng mười năm trở lại đây không chỉ giới hạn ở miền núi, vùng sâu vùng xa, mà còn lan tỏa ở các thành phố lớn, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM. Trên cơ sở phân tích những khó khăn của HS người Triều Châu tại Q.5 khi học môn tập đọc và khai thác thế mạnh của công nghệ, nhóm nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hoàng Anh Phương (Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã thiết kế phần mềm hỗ trợ cho HS người Triều Châu tại TP.HCM rèn luyện kỹ năng đọc, kỹ năng quan sát, phán đoán, mở rộng vốn từ ngữ tiếng Việt góp phần phát triển năng lực đọc trôi chảy và đọc hiểu cho các em...

Phát biểu tại hội thảo, ThS. Hoàng Trường Giang (Phó phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM) đã ghi nhận những đóng góp của các nhóm nghiên cứu về dạy học tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số. Nhiều nghiên cứu không chỉ hướng vào dạy tiếng Việt cho HS nói chung mà còn mở rộng đối tượng HS dân tộc thiểu số tại các thành phố và các tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Giang, cần phân biệt đúng và không được đánh đồng thuật ngữ cũng như phương pháp dạy tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số với dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Phải tìm được điểm chung cho người thiểu số trên cơ sở các dân tộc thiểu số khác. “Chúng ta không chỉ đưa ra được thực trạng mà còn phải có giải pháp cụ thể để dạy tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số có kết quả tốt nhất”, ông Giang định hướng.

Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang