Thứ năm, 19/1/2017, 23h02

Dạy học tác phẩm văn chương

Môn văn học trong trường THPT và ĐH gồm các phân môn: Lịch sử văn học, lý luận văn học, tác giả văn học, tác phẩm văn học (TPVH). Cốt lõi của môn này là TPVH hay tác phẩm văn chương.

Khi dạy học tác phẩm văn học, giáo viên phải kiểm tra học sinh về việc đọc kỹ tác phẩm trước. Ảnh: A.K

Phương pháp dạy học TPVH và đổi mới phương pháp này là khó khăn nhất, được bàn thảo từ lâu, đến nay vẫn tiếp diễn. Ở bài viết này, chúng tôi xin mạn phép bàn về phương pháp dạy học TPVH (giảng văn) ở bậc THPT với vài đề xuất cơ bản.

Hướng dẫn học sinh đọc trước

Dạy TPVH mà giáo viên và học sinh không đọc kỹ tác phẩm từ trước, không nghiền ngẫm tác phẩm thì thật là vô lý! Hiện nay, học sinh (và cả giáo viên) rất ngại đọc TPVH, mà số lượng TPVH có trong chương trình không phải là nhiều! Đến giờ giảng văn, học sinh vẫn chưa hề đọc tác phẩm. Khi thầy cô gọi một vài học sinh đọc tác phẩm trước khi giảng, thì rất nhiều em khác chỉ nói chuyện riêng, thành thử không biết gì về nội dung tác phẩm! Nhiều giáo viên cũng chỉ đọc sơ qua tác phẩm, rồi dựa vào sách hướng dẫn mà soạn giáo án và lên lớp. Với những tác phẩm dài, chỉ được trích giảng, thì giáo viên và học sinh càng ngại đọc và không đọc toàn bộ tác phẩm. Thế cho nên, các bài văn tuyển sinh ĐH nhiều năm nay, mới có những chuyện “râu ông nọ cắm cằm bà kia” và những bài văn ngô nghê, tức cười. Việc đọc trước và đọc kỹ tác phẩm - phải là điều bắt buộc đối với học sinh. Trước khi giảng văn, giáo viên phải kiểm tra học sinh về việc đọc trước TPVH, thông qua vở chuẩn bị bài (trả lời các câu hỏi gợi ý trong SGK, tóm tắt nội dung tác phẩm, hoặc phát biểu cảm nghĩ ban đầu về tác phẩm). Có đọc trước và đọc kỹ tác phẩm, thì các em mới cảm - hiểu bước đầu về tác phẩm, mới sơ bộ nắm được chủ đề, tư tưởng, kết cấu, trạng thái cảm xúc, hay cốt truyện, tính cách các nhân vật và các hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

Phải giảng dạy theo loại thể của TPVH

Nắm rõ tiểu sử tác giả và hoàn cảnh ra đời TPVH

Tác giả nào, xã hội nào thì tác phẩm ấy. TPVH là thế giới nội tâm của nhà văn, thể hiện tư tưởng, thái độ, tình cảm của nhà văn đối với cuộc sống, thể hiện khát vọng chân-thiện-mỹ của nhà văn. Mỗi nhà văn đều sinh ra trong một hoàn cảnh gia đình, có những sở thích, lối sống, truyền thống nào đó và sống trong một bối cảnh lịch sử-xã hội nhất định. Môi trường gia đình và xã hội, với những biểu hiện đa dạng về chính trị, kinh tế, văn hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng và tình cảm của nhà văn, và điều này được phản ánh trong tác phẩm ở một phạm vi nào đó. Không nắm được tiểu sử tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, thì không thể hiểu đúng, đánh giá đúng được tác phẩm.

Nói cách khác, phải vận dụng kiến thức lý luận văn học (những vấn đề cơ bản nhất) về cấu trúc của TPVH và đặc điểm loại thể của TPVH trong việc giảng văn. Đây là vấn đề nguyên tắc, có ý nghĩa phương pháp luận. Về cấu trúc, TPVH nào cũng có đề tài, chủ đề, tư tưởng tác phẩm, các biện pháp thể hiện, hình tượng cảm xúc (đối với tác phẩm trữ tình), cốt truyện, các tính cách nhân vật (đối với tác phẩm tự sự), và hệ thống lập luận (đối với các tác phẩm nghị luận có giá trị văn học). Trong các yếu tố đó, thì chủ đề và tư tưởng tác phẩm - tức là chủ đích sáng tác của nhà văn, điều mà nhà văn muốn nhắn gửi đến người đọc - là hai yếu tố chủ đạo và quán xuyến toàn bộ tác phẩm. Mặt khác, TPVH nào cũng thuộc một loại thể nhất định (cũng có khi tác giả sử dụng đồng thời vài thể loại, nhưng bao giờ cũng có một thể loại chính). Mỗi loại thể (có nhiều thể loại) lại có những đặc điểm thi pháp riêng. Chẳng hạn, tác phẩm thuộc loại thể tự sự (có hai thể loại chính, là truyện ngắn, tiểu thuyết), thì phải có cốt truyện (các tình tiết, sự kiện), có nhân vật và lời kể của tác giả (tương ứng với các biện pháp thể hiện của tác phẩm). Tác phẩm thuộc loại thể trữ tình (có hai thể loại chính, là thơ trữ tình, tùy bút) thì phải có cấu tứ, hình tượng cảm xúc (ví dụ như hình tượng “Sóng” của nữ sĩ Xuân Quỳnh), hình ảnh và nhạc điệu câu thơ (Xuân Diệu từng nói: “Nhạc điệu cũng chính là cảm xúc”)… Do đó, giảng dạy tác phẩm tự sự, thì trọng tâm phải phân tích và bình giá cốt truyện (ví dụ như bình giá tình huống truyện trong Vợ nhặt của Kim Lân...) và phân tích tính cách các nhân vật (diễn biến theo thời gian và hoàn cảnh; ví dụ: phân tích tính cách nhân vật Mỵ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài; phân tích tính cách nhân vật Vợ nhặt và bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt…). Giảng dạy tác phẩm trữ tình thì phải chú trọng phân tích hình tượng cảm xúc, hình ảnh, ngôn ngữ cô đọng và nhạc điệu của câu thơ, đoạn thơ. Giảng giải, phân tích, bình luận các yếu tố đó để làm sáng tỏ chủ đề và tư tưởng tác phẩm.

Giáo viên vừa là nhà sư phạm, vừa là người nghệ sĩ

Giáo viên là kiến trúc sư trí tuệ, kiến trúc sư tâm hồn của học sinh. Hơn ai hết, người giáo viên dạy văn học rất xứng đáng với danh hiệu cao quý ấy. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: Giáo viên là “nhân vật trung tâm” của nhà trường. Tôi rất tán đồng quan điểm này, và nhấn mạnh rằng: Ngay trong mỗi giờ dạy học, giáo viên cũng vẫn là và phải là “nhân vật trung tâm”! Giáo viên là người chủ đạo, người truyền thụ kiến thức chính xác, người hướng dẫn, gợi ý để học sinh tìm hiểu, tiếp nhận, khám phá các giá trị nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Giáo viên phải gợi mở, định hướng (nhưng không cứng nhắc) cho học sinh tìm hiểu, phân tích tác phẩm, nhưng nhiều khi phải khuyến khích các em tinh thần phản biện, tìm tòi, phát hiện những cái đẹp, cái hay (và cả cái khiếm khuyết) của tác phẩm; nghĩa là phải phát huy tinh thần dân chủ trong giờ học. Đồng thời, giáo viên phải sử dụng linh hoạt các hình thức dạy học: khi thì phát vấn (có nhiều loại câu hỏi); khi thì phân tích, tổng hợp; khi thì diễn giảng (học sinh rất thích những lời diễn giảng hay của giáo viên); có khi người thầy còn phải tạo ra những “khoảng lặng nghệ thuật” để học trò thẩm thấu tác phẩm.

Về sử dụng các hình thức dạy học, theo tôi, trong giờ giảng văn, phát vấn là cần thiết, nhưng không nên đề cao quá mức hình thức này, không nên đặt ra quá nhiều câu hỏi; và không nên ngộ nhận rằng: có nhiều câu hỏi, giờ học mới sinh động, mới đạt hiệu quả cao. Càng ở các lớp trên, như lớp 12 THPT, càng không nên có những câu hỏi vụn vặt, tầm thường. Cũng không nên lạm dụng hình thức trắc nghiệm. Bên cạnh đó, trong giờ giảng văn, không nên lạm dụng CNTT (tức soạn giảng theo giáo án điện tử). Trong giờ giảng văn, thì lời giảng của giáo viên (bao gồm: đặt câu hỏi, cách dùng từ ngữ, lời lẽ phân tích, bình giảng, đánh giá, giọng điệu gợi cảm… phù hợp với sắc thái tình cảm của tác phẩm) là rất quan trọng - vì TPVH là “nghệ thuật ngôn từ”! Mặt khác, giáo viên văn học cần phải thể hiện tính nghệ sĩ (hiểu một cách đúng đắn từ này) trong giờ dạy giảng văn với khát khao, say mê truyền đạt những cái đúng, cái hay, cái đẹp của tác phẩm… cùng với chữ viết bảng đẹp sẽ rất cuốn hút học sinh.

Đào Ngọc Đệ
(Giảng viên chính
Trường ĐH Hải Phòng)