Thứ năm, 23/3/2017, 21h45

Dạy kỹ năng chống xâm hại tình dục cho học sinh

Hơn một năm nay, các thành viên trong nhóm Sách và Trẻ thơ (do một số giáo viên, giảng viên, nhân viên văn phòng trên địa bàn TP.HCM và Đồng Nai thành lập) đã đến nhiều trường học ở thành phố, vùng nông thôn, miền núi để “xóa mù” kiến thức chống xâm hại tình dục (XHTD) cho học sinh.

Thành viên nhóm Sách và Trẻ thơ dạy kỹ năng chống XHTD cho học sinh ở vùng nông thôn

Ứng xử trước nhiều rủi ro

Qua hơn một năm, nhóm đã đến dạy kỹ năng chống XHTD cho học sinh rất nhiều nơi: trường mầm non, tiểu học, mái ấm, nhà mở trên địa bàn Đồng Nai, Kon Tum, Lâm Đồng, Tây Ninh và TP.HCM. Tùy độ tuổi học sinh mà nhóm có thể gia giảm nội dung và thay đổi về phương pháp giảng dạy. Cô Nguyễn Thị Thu Huyền (giảng viên Khoa Khoa học giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - người sáng lập nhóm) cho biết: “Trẻ được cung cấp những kiến thức cụ thể như các khu vực riêng tư trên cơ thể và đối tượng được phép tiếp xúc, phân biệt đụng chạm an toàn và không an toàn, cách thức phản ứng khi có đụng chạm không an toàn, cách ứng xử nếu rủi ro bị XHTD, các lưu ý khi tiếp xúc với người lạ…”. Ngoài ra, theo cô Huyền, một số giáo viên còn hướng dẫn trẻ cách thoát thân khi bị người xấu có ý đồ sàm sỡ, đụng chạm vào bộ phận kín hoặc khi họ ôm hôn, sờ soạng người mà trẻ không muốn. Phương châm của nhóm là dạy thật tử tế cho từng trẻ nên chia lớp nhỏ, phần lớn dưới 50 em/lớp.

Nhóm Sách & Trẻ thơ thành lập với mục tiêu mang đến cơ hội đọc sách và cơ hội giáo dục cho tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ thiệt thòi. Đến nay, những mục tiêu này không có gì thay đổi.

Việc dạy trẻ trong 1-1,5 giờ không thể hình thành được kỹ năng ứng phó trước các tình huống có nguy cơ bị xâm hại, do đó trẻ cần phải rèn luyện nhiều lần với sự trợ giúp của giáo viên và phụ huynh. Chính vì vậy, không chỉ “xóa mù” cho học sinh về kiến thức chống XHTD, nhóm còn “truyền lửa” sang giáo viên và phụ huynh. Đặc biệt, vừa qua nhóm còn thử nghiệm việc chuyển giao kinh nghiệm dạy chủ đề này cho giáo viên và phụ huynh ở các trường. Theo đó, giáo viên và phụ huynh đã được cung cấp những kiến thức tổng quan đến chi tiết như: tổng quan tình hình XHTD trẻ em tại Việt Nam và trên thế giới; các nguy cơ bị XHTD ở trẻ tại gia đình, trường học và môi trường xã hội; hậu quả khi trẻ bị XHTD; cách thức phòng tránh bị XHTD cho trẻ; phương pháp giáo dục giới tính cho trẻ…

Còn nhiều khó khăn

Mặc dù đã giảng dạy hơn một năm nay nhưng trong quá trình thực hiện nhóm cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là với trẻ ở nông thôn. Thầy Đào Phan Đình Tài (giảng viên Trường ĐH Đồng Nai, thành viên của nhóm) chia sẻ: “Khó nhất là khi những điều mình dạy lại khó thực hiện ở nơi cư trú của trẻ. Ví dụ, khi dạy trẻ ở nông thôn, mình nói các em cần phải thay đồ, tắm rửa nơi kín đáo, nhưng ở nông thôn thì thói quen người dân lại tắm rửa nơi không che chắn, với trẻ em lại càng thoải mái hơn”. Ngoài ra có những nội dung giảng dạy lại xung đột với cách sống, nếp nghĩ của người lớn. “Điều tôi dạy đôi lúc lại xung đột với thói quen của người lớn. Ví dụ, dạy trẻ không được đụng chạm, nhìn ngó cơ quan sinh dục của người khác nhưng người lớn lại rất hay trêu ghẹo, đụng chạm cơ quan sinh dục của trẻ”, thầy Tài nói. Cô Nguyễn Hoàng Linh (giáo viên một trường THCS ở Đồng Nai) thông tin thêm: “Kiến thức cần được nhắc lại nhiều lần để trẻ ghi nhớ nhưng cha mẹ và thầy cô nhiều người mắc cỡ khi nói về chủ đề này khiến trẻ học rồi nhưng có khi lại quên”.

Để có kiến thức và kỹ năng giảng dạy, thành viên của nhóm được tuyển chọn rất kỹ. Họ là những cử nhân, thạc sĩ tâm lý từng là sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ngoài ra, còn phải kể đến đội ngũ những bạn trẻ đang làm công tác tư vấn học đường, giảng dạy kỹ năng sống… Tất cả thành viên đều rất nhiệt tình, tâm huyết với công việc chống XHTD, có những lúc họ phải nằm vùng 2, 3 ngày ở địa phương để dạy miễn phí cho trẻ.

Dương Bình