Thứ ba, 26/2/2013, 10h02

Dạy kỹ năng đọc hiểu môn tiếng Anh

Tùy theo đối tượng mà người giáo viên vận dụng kỹ năng dạy đọc hiểu khác nhau. Ảnh: Anh Khôi

Dạy và học tiếng Anh phải luôn theo 4 kỹ năng cơ bản: Nghe, nói, đọc, viết. Cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trung tâm GDTX Thủ Đức - xác định: “Để giúp cho người học ngoại ngữ tiếp cận được dễ dàng những thông tin văn hóa hiện đại nhất thì việc rèn luyện kỹ năng đọc hiểu cho học sinh ngay từ khi bắt đầu ngồi ghế nhà trường là một điều cần thiết”.
Theo cô Nguyễn Thị ThuVân, việc rèn luyện và phát triển kỹ năng đọc hiểu cho học sinh có thể giúp các em nhiều thuận lợi và độc lập hơn cũng như đạt hiệu quả cao trong quá trình học ngoại ngữ dù ở trường hay ở nhà. Chính vì thế khi dạy bài An English wedding (Unit 28) cô đã tổ chức học sinh theo 3 hình thức hoạt động cơ bản.
Giai đoạn chuẩn bị đọc (Pre-reading)
Ở giai đoạn này, giáo viên có vai trò của người mở đường, khái quát và giới thiệu rõ chủ đề mà các em học sinh phải làm quen để hiểu chính xác mục đích của việc đọc. Không chỉ dùng biện pháp diễn giảng thông thường, người thầy còn có thể linh động đưa ra những câu hỏi gợi ý để các em tự do tìm hướng trả lời. Nếu không cả thầy và trò có thể tận dụng các loại đồ dùng trực quan sẵn có như tranh ảnh, mô hình đơn giản để đưa ra những phán đoán chính xác. Những phán đoán này có thể là của một cá nhân nhưng cũng có thể là của từng nhóm cặp, có thể đúng nhưng cũng có thể chưa chính xác không ngoài mục đích dắt dẫn các em đi vào bài học. Cũng như các bộ môn khác, để hoạt động đọc hiểu của học sinh có hiệu quả thì việc tổ chức lớp học của người giáo viên là tối quan trọng. Nếu có sự phối hợp chủ động của học sinh và sự uyển chuyển, khéo léo của người thầy thì việc dắt dẫn cả lớp vào nội dung bài học chắc chắn sẽ thuận buồm xuôi gió.
Cô Trần Thị Huyền Trang - giáo viên Trung tâm GDTX quận 4 - đưa ra kinh nghiệm: “Tùy theo trình độ mỗi lớp học mà người giáo viên có thể áp dụng một số hoạt động ăn rơ để dẫn dắt học sinh vào bài học trôi chảy và tự nhiên”. Các hoạt động đó - theo cô Trần Thị Huyền Trang - bao gồm: Học sinh xem tranh nhớ những từ mới đã học tương ứng với bức tranh hoặc dùng một chủ đề để cho các em nhớ từ và đọc từ. Cũng có khi giáo viên hướng những câu liên quan tới bức tranh trong bài, cuối cùng cho các em nghe đọc bài chính và đọc theo giáo viên rồi yêu cầu từng em đọc lại. Kinh nghiệm cho thấy, những câu hỏi thảo luận sẽ là chất xúc tác giúp các em làm việc tích cực và động não hơn. Bên cạnh đó, những hoạt động đoán trước khi thực hiện còn gây tập trung chú ý rất ấn tượng đến bài khóa.
Giai đoạn đọc (While-reading)
Giai đoạn này giáo viên có thể rèn luyện kỹ năng đọc hiểu của từng đối tượng qua thủ thuật gợi ý một số hoạt động liên quan đến nội dung bài học. Đây là lối mở để dẫn dắt học sinh vào bài một cách tự nhiên, không gò bó và cơ bản giúp các em nắm bắt nội dung thấu đáo hơn. Ở giai đoạn này, thầy cô nên tổ chức lớp học hoạt động theo cặp nhóm để phát huy tính tích cực và chủ động của bản thân. Cũng nhờ thế mà không khí lớp học được thay đổi từ thụ động sang sôi nổi và cuốn hút. Trong giai đoạn này, theo ý kiến cô Nguyễn Thị ThuVân, có thể áp dụng các hoạt động: Giáo viên đưa ra câu hỏi hoàn chỉnh yêu cầu học sinh thảo luận theo nhóm để đưa ra quyết định câu đúng hay sai so với nội dung bài học (true-false quiz). Cũng có thể giáo viên nêu lên một số câu hỏi và yêu cầu từng nhóm thảo luận xem câu trả lời có liên quan đến bài học hay không (questions and anwers)? Cầu kỳ và công phu hơn, học sinh có thể xem một bảng thông tin gồm 2 cột của bài đọc (một bên là câu hỏi, một bên là câu trả lời) sau đó các em thảo luận theo nhóm và nói các câu trả lời tương ứng theo kiểu nối cột trong dạng các bài tập trước đó. Biểu đồ, bảng phân loại tuy cồng kềnh và màu mè đôi chút nhưng lại bổ trợ các em có thêm kỹ năng so sánh, phân biệt và xây dựng ý tưởng logic trong bài khóa đang học. Những động tác nhỏ của giáo viên như gạch chân, đóng khung, nhấn mạnh những từ ngữ quan trọng cũng giúp các em nhớ được các kiến thức trọng tâm bài học.
Giai đoạn củng cố sau khi đọc (Post-reading)
Đây là công việc của người thầy mở rộng khai thác nội dung bài đọc và phát triển thêm kỹ năng khác cho học sinh ngoài kỹ năng đọc. Tốt nhất là cho các em học sinh đọc to lại từng đoạn văn. Có thể tóm tắt bài khóa thông qua tranh ảnh hay mô hình cụ thể. Đưa ra những từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa để hiểu khái niệm của thuật ngữ hoặc từ mới. Những bài tập mở thông qua việc điền từ vào chỗ trống hoặc những vấn đề các em tự đưa ra sẽ có tác dụng hơn trong việc khắc sâu kiến thức.
Trong xu thế đổi mới phương pháp dạy ngoại ngữ mà cụ thể là bộ môn tiếng Anh, đội ngũ giáo viên tại các trường phổ thông và GDTX đã tìm ra được những cách dạy phù hợp và hiệu quả nhất trong việc rèn luyện kỹ năng đọc hiểu. Có như vậy các em mới dễ dàng chủ động, tích cực và sáng tạo trong từng giờ học, đẩy lùi cảm giác chán chường hoặc nản lòng khi thực hiện các yêu cầu của thầy cô trên lớp.
“Tuy nhiên, tùy theo từng đối tượng và lớp học mà chúng ta có thể vận dụng kỹ năng dạy đọc hiểu theo mỗi cách khác nhau, có như vậy tiết học mới thật sự hiệu quả và đạt được mục đích cuối cùng”, cô Đào Thị Huyền Hậu - Chuyên viên Phòng GDTX (Sở GD-ĐT TP.HCM) - khẳng định.
Phan Ngọc Quang