Thứ hai, 21/10/2013, 15h10

Dạy kỹ năng sống từ bậc mầm non

Hình ảnh cảm động của một em bé Nhật 9 tuổi kiên trì xếp hàng đợi tới lượt nhận khẩu phần ăn sau khi cha mẹ và em trai bị nước biển cuốn trôi trong trận động đất ở Nhật vào tháng 3-2011 một lần nữa đã được khơi lại tại hội thảo khoa học quốc tế “Quan hệ hợp tác Việt - Nhật và vấn đề GD-ĐT nguồn nhân lực” do Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM tổ chức ngày 19-10.
Việc khơi lại không chỉ để cảm kích, mà qua đó nhiều đại biểu đã đặt vấn đề giáo dục (GD) đạo đức, văn hóa cho thế hệ trẻ, bên cạnh việc nâng cao nguồn nhân lực nước nhà.
TS. Nguyễn Thị Hà Lan (Trường ĐH Hồng Đức) phân tích, người Nhật được thừa nhận là rất giỏi, chăm chỉ, nghiêm túc, kỷ luật cao, ý chí tự lực tự cường lớn. Để có được như vậy, vấn đề GD ở Nhật luôn được chú trọng và ưu tiên hàng đầu. Học sinh Nhật được GD tính tự giác, tự lập và kỹ năng sống ngay từ nhỏ. Ở bậc mầm non, trẻ tự mang cặp xách đến trường, tự ăn uống và dọn khay sau đó, tự gấp chăn sau giờ ngủ trưa. Học sinh cấp 1 thì tự đón tàu điện hoặc tự đi bộ đến trường mặc dù gia đình có điều kiện đưa đón…
Bà Lan so sánh, trong khi trẻ em Việt khá thụ động ở việc ứng phó trước các tình cảnh nguy cấp, không biết bảo vệ bản thân thì từ bậc mầm non, trẻ em Nhật đã được học các kỹ năng sống cơ bản như: Làm thế nào khi gặp thiên tai, động đất, xin lỗi và sửa sai… Điều này giúp cho các tầng lớp nhất là giới trẻ Nhật ứng xử rất văn hóa, hiếm khi xô xát, nói tục nơi công cộng. Ngoài ra, vấn đề GD đạo đức cho trẻ, đặc biệt tính kỷ luật, sự hy sinh, chia sẻ được chú trọng, vai trò GD gia đình được đề cao.
Liên hệ thực tiễn Việt Nam, nhiều đại biểu đề cập việc quan tâm GD đạo đức nhân cách lẫn kỹ năng sống cho học sinh. Những năm gần đây, ảnh hưởng tiêu cực từ nền kinh tế thị trường khiến một bộ phận học sinh, sinh viên suy thoái đạo đức, lối sống. Trong khi đó, các trường lại chú trọng truyền đạt kiến thức, chưa quan tâm thích đáng đến vấn đề GD đạo đức, nhân cách sống cho học sinh.
Dưới góc nhìn lịch sử, PGS.TS Nguyễn Văn Tận (Trường ĐH Khoa học Huế) nhìn nhận sâu hơn về quá trình đào tạo nguồn nhân lực con người Nhật Bản thời Minh Trị. Đây là thời đại đánh dấu mốc quan trọng cho sự đổi mới GD của Nhật Bản với việc chú trọng đào tạo con người. Theo đó, không chỉ quan tâm riêng bậc ĐH, các trường tiểu học công được xây thêm phục vụ toàn xã hội, mọi con em đều được đến trường.
“Người Nhật không học hỏi tràn lan mà có chọn lọc. Đội ngũ nhân lực chất lượng cao đi học từ nước ngoài dần thay thế các chuyên gia nước ngoài nhằm tiết kiệm chi phí và đề cao tính tự chủ dân tộc. Nhờ chính sách trọng dụng nhân tài của Chính phủ Nhật cũng như tinh thần dân tộc của người dân khiến tình trạng “chảy máu chất xám” ít diễn ra” - ông Tận đánh giá. Theo ông Tận, kinh nghiệm từ Nhật Bản, việc học hỏi kiến thức bên ngoài ở nước ta cần chủ động, có mục đích rõ ràng để phục vụ đời sống chứ không nên gây lãng phí. Cần khuyến khích sinh viên đi du học quay về phục vụ đất nước. Thực tế hiện nay, dù Chính phủ có nhiều ràng buộc đối với sinh viên du học nhưng nhiều em vẫn định cư ở nước ngoài gây “chảy máu chất xám”. “Ngoài ra, việc GD không chỉ chú trọng mặt tri thức, còn cần đề cao khía cạnh đạo đức, tính tự giác, chăm chỉ hơn là lao động đối phó, thiếu sáng tạo, thiếu đóng góp” - TS. Nguyễn Văn Tận nói.
ThS. Hồ Tố Liên (Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM) nêu quan điểm, hiện nay, xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nền GD các nước trên thế giới đều phải đối mặt với thách thức to lớn là vừa phải đổi mới để đáp ứng sự phát triển vừa phải chú trọng đào tạo con người có tri thức toàn diện, phát triển hài hòa “trí - đức - thể - mỹ”. Rút kinh nghiệm từ Nhật Bản, chúng ta đang phấn đấu vì nền GD coi trọng tính nhân văn, tuy GD nước ta còn phải đối mặt với những vấn đề đặc thù riêng.
M.Tâm