Thứ năm, 4/1/2018, 10h11

Đây là lý do khiến sứ mệnh khám phá vũ trụ có thể phải dừng lại

Vấn đề này đang ngày càng trở thành một mối đe dọa đối với các thế hệ tương lai trong việc sống và làm việc trong không gian.
Theo Mirror, các nhà khoa học ước tính hiện có khoảng 600.000 mẩu rác không gian đang bay quanh Trái Đất, mà chủ yếu có kích thước từ 1 - 10cm. Tính trung tình, cứ mỗi năm có 1 vệ tinh bị phá hủy bởi những mảnh vỡ không gian như vậy. Xa hơn, lượng rác vũ trụ ở hiện tại và tương lai sẽ là rào cản lớn cho sứ mệnh thám hiểm không gian của thế hệ sau.
Theo nhà khoa học Donal J Kessler đang làm việc tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), khả năng va chạm trên không gian sẽ tăng lên khi lượng mảnh vụn càng nhiều. Do đó, cứ mỗi một mảnh vỡ phát sinh sẽ tạo ra thêm nhiều mảnh vỡ ở cấp số nhân. Vấn đề này được gọi là Kessler và được đề xuất lần đầu tiên vào năm 1978.
Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc là những quốc gia
Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc là những quốc gia "đóng góp" nhiều rác vũ trụ nhất.
Các công ty vũ trụ đang nỗ lực để khắc phục vấn đề nói trên. Hiện, SpaceX và Blue Origin là hai công ty có khả năng sử dụng lại các thiết bị phóng tên lửa, cũng như thiết kế vệ tinh và phương tiện không gian khác đảm bảo an toàn sau khi sử dụng.
Tiến sĩ Hugh Lewis tin rằng, vấn đề này đang ngày càng trở thành một mối đe dọa đối với các thế hệ tương lai trong việc sống và làm việc trong không gian."Giải quyết vấn đề mảnh vỡ không gian là một trong những thách thức lớn nhất về môi trường của con người, nhưng nó lại ít được người ta nhắc tới nhất", ông nói. Tiến sĩ Lewis hiện là người đứng đầu một nhóm nghiên cứu mảnh vụn không gian tại Đại học Southampton
"Mỗi ngày chúng ta sử dụng các dịch vụ được cung cấp bởi vệ tinh mà không nhận ra chúng dễ bị tổn thương như thế nào. Không chỉ các vệ tinh có thể bị hư hỏng hoặc bị phá hủy bởi mảnh vỡ ngày hôm nay hay ngày mai, mà điều đó còn liên quan tới ước mơ và tham vọng sống trong không gian của các thế hệ tương lai", tiến sĩ Hugh Lewis nói.
NASA định nghĩa các mảnh vụn không gian là "bất kỳ vật thể nào do con người tạo ra trên quỹ đạo Trái Đất mà không còn giá trị sử dụng". Mảnh vụn lớn nhất hiện nay là Envisat - một vệ tinh quan sát Trái đất có kích thước ngang một chiếc xe buýt hai tầng do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phóng lên vào năm 2002, hiện đang bay quay Trái Đất ở khoảng cách 225km.
Ngoài ra, các mảnh vỡ khác bao gồm 2.000 mảnh vỡ do va chạm giữa một vệ tinh Nga và một vệ tinh thương mại của Hoa Kỳ vào năm 2009. Prospero, một vệ tinh của Anh được tên lửa phóng lên quỹ đạo từ năm 1971, hiện vẫn đang quay quanh Trái Đất như rác vũ trụ.
HT (theo khoahoc.tv)