Thứ ba, 21/2/2017, 21h16

Đẩy mạnh tự chủ để y tế phát triển

Sở Y tế cần đẩy mạnh tự chủ, mạnh dạn phân cấp ủy quyền cho các bệnh viện (BV) về tổ chức, đầu tư, tuyển dụng nhân viên… Đó là đề nghị của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tại buổi làm việc với Đảng ủy Sở Y tế TP về thực hiện tự chủ tài chính, công tác xã hội hóa và định hướng phát triển ngành y tế đến năm 2020 chiều 21-2.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trao đổi với Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu bên lề buổi làm việc

Không để giám đốc BV lạm quyền

Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến năm 2016, TP có 10 cơ sở y tế công lập (CSYTCL) được giao quyền tự chủ tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, 72 CSYTCL được giao quyền tự chủ tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, 12 CSYTCL do Nhà nước bảo đảm chi phí thường xuyên.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho rằng: “Với mô hình này, các BV có điều kiện tuyển được nhân lực chất lượng cao, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ…”.

Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng hiện nay các BV tự chủ cũng gặp không ít khó khăn. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Q.2 - một trong 10 CSYTCL được giao quyền tự chủ tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên cho biết: “Với cơ chế tự chủ, bước đầu BV đã tự tìm giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thu hút bệnh nhân… Qua 2016, tổng số tiền thu được tăng hơn 32%, bệnh nhân tăng 30%”. Tuy nhiên, theo ông Khanh, tự chủ là điều đúng hướng nhưng một số BV chưa được đầu tư, uy tín BV chưa thu hút, nếu giao tự chủ liền sẽ khó khăn…

Việc tự chủ tài chính không chỉ giúp cho BV tăng thu nhập mà ngay cả bệnh nhân nghèo cũng được hưởng lợi. Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương chia sẻ: “BV tự chủ  tài chính từ 2010, chúng tôi đã tăng thu nhập cho nhân viên, tăng đầu tư, tăng mức độ hài lòng của người bệnh. Chúng tôi có điều kiện để “choàng” luôn cho bệnh nhân nghèo, hàng năm BV chi hàng tỷ đồng cho bệnh nhân nghèo, trích từ thu nhập của nhân viên”. Tuy nhiên, bà Tuyết cũng nêu một số khó khăn, nhất là trong thanh toán BHYT: “BHYT là bình đẳng 3 bên (người mua, cơ sở y tế, BHYT) nhưng bình đẳng chưa có, người cung cấp chịu đầu sóng ngọn gió nhưng lại nắm lưỡi, cuối năm BHYT không quyết toán là lãnh đủ. Mặc dù có một số nhỏ lạm dụng BHYT nhưng không phải toàn bộ”.

Trong khi đó, BV Nguyễn Tri Phương lại gặp khó vì khoản nợ không nhỏ. Ông Võ Đức Chiến, Giám đốc BV cho biết: “Mỗi năm BV được cấp 80 tỷ, năm vừa rồi tự chủ một phần nên được cấp khoảng 30 tỷ, BV vẫn còn nợ 100 tỷ. Nếu giải quyết được khoản nợ này thì đây là điểm khởi đầu cho tự chủ thuận lợi”.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, qua thực tiễn, một số BV khi thay đổi giám đốc để lại số nợ lớn cho giám đốc mới như BV Nguyễn Tri Phương. Từ thực tế này, bà Thu cho rằng: “Với BV công lập càng tăng tính tự chủ cơ sở càng phải nâng cao năng lực lãnh đạo Đảng ủy BV, thực hiện nghiêm quy chế dân chủ cơ sở, không để cá nhân, giám đốc BV lạm quyền. Đồng thời, phải nâng cao năng lực quản trị BV của giám đốc”. Tại buổi làm việc, bà Thu cũng đặt hàng cho Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đẩy mạnh đầu tư hợp tác quốc tế về giáo trình bồi dưỡng quản trị BV cho giám đốc các BV để mở lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn cho giám đốc, phó giám đốc các BV nhằm giúp họ có nghiệp vụ, làm tốt quản lý hành chính và chuyên môn.

Muốn hoạt động theo mô hình doanh nghiệp

Không chỉ muốn hoạt động theo mô hình tự chủ, một số BV còn đề xuất hoạt động theo mô hình quản lý của doanh nghiệp.

Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV Q.Thủ Đức cho hay: “BV vừa được tự chủ nhưng đang đề xuất hoạt động theo mô hình quản lý của doanh nghiệp. Nhiều năm nay chúng tôi phải vay ngân hàng để tăng cường trang thiết bị nhưng vẫn đảm bảo viện phí cho người bệnh như Nhà nước quy định”.

Được biết, hiện có hai đơn vị đăng ký hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu chia sẻ bản thân đang rất trăn trở, chưa an tâm do mục tiêu doanh nghiệp là lợi nhuận. “Nếu BV đặt lợi nhuận lên hàng đầu, thì mục tiêu chăm lo bệnh nhân có còn lên hàng đầu nữa không? Có mâu thuẫn giữa mục tiêu lợi nhuận và chăm lo bệnh nhân hay không?”, bà Thu trăn trở.

Theo bà Thu, hiện Chính phủ có chủ trương cho thực hiện mô hình này nhưng là thí điểm. Theo đó, bà Thu đề nghị Sở Y tế và Viện Nghiên cứu phát triển TP nghiên cứu, tìm ra phương thức để khi thực hiện thí điểm, BV không đánh mất mục tiêu vì người bệnh.

Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng rất đồng tình: “Mô hình doanh nghiệp có hai BV đề nghị thì phải lập đề án, báo cáo cơ quan thẩm quyền để thí điểm. Nếu đạt hiệu quả, TP sẽ nhân rộng”.

Kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy đánh giá cao mục tiêu đến 2020 của ngành y tế TP là cơ bản hết quá tải, người dân - người bệnh hài lòng với chất lượng khám chữa bệnh, chăm lo sức khỏe… Trong thời gian sắp tới, đồng chí đề nghị ngành y tế giải quyết quá tải BV không chỉ cho 10 triệu dân TP mà cho khu vực, cho cả nước. Đồng thời, phải rà soát lại quy hoạch, trên cơ sở tái cơ cấu kinh tế, nghiên cứu một mô hình tổ chức y tế hiện đại, không thể duy trì tổ chức quản lý y tế như hiện nay…

Dương Bình