Thứ tư, 15/2/2012, 12h02

Đẩy mạnh xây dựng bệnh viện để giảm quá tải

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đang phát biểu tại buổi làm việc

Chiều 14-2, tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi làm việc với UBND TP cùng các sở, ngành liên quan về Đề án giảm quá tải bệnh viện (BV).
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết: “Đề án giảm quá tải BV tập trung vào 4 vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay của y tế Việt Nam. Đó là ung bướu, chấn thương chỉnh hình, nhi và tim”.
Dịch bệnh tăng, dân số tăng nhưng BV không tăng
Tại TP.HCM, chỉ riêng các BV Ung bướu, Nhi đồng I, Nhi đồng II, Chấn thương chỉnh hình và một số BV chuyên khoa khác trên địa bàn TP đã và đang phải “gánh” rất nhiều bệnh nhân thuộc các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên, miền Trung. Ngoài bệnh nhân do chuyển viện, phân nửa trong số đó là do người bệnh tự vượt tuyến.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh - Phó giám đốc Sở Y tế - cho biết: “Công suất giường bệnh tại một số BV như Nhi đồng I, Nhi đồng II, Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình trong năm 2011 đều trên 120%. Trong đó, BV Ung bướu là 247%. Tình trạng bệnh nhân nằm 2-3 người/ giường, nằm ghế bố diễn ra thường xuyên. Bệnh nhân ở tỉnh đến khám và điều trị tại TP.HCM ngày càng tăng. Cụ thể như BV Nhi đồng I, năm 2010 có 48.368 bệnh nhân tỉnh thì có tới 38.373 người tự đến; năm 2011 có 47.562 bệnh nhân tỉnh, trong đó tự đến là 38.721 người…”.
Bác sĩ Trần Thanh Mỹ - Giám đốc BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM - cũng cho biết: “Số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại BV tăng gấp 5 lần trong 25 năm qua. Số lượt bệnh nhân đến phẫu thuật cũng tăng rất nhanh, năm 1985 có 3.151 ca, năm 2011 tăng lên 33.721 ca. Điều đáng nói là trong số đó có tới 60% là bệnh nhân từ các tỉnh chuyển đến. Mà bệnh nhân ở tỉnh đến thường là những ca nặng đa chấn thương, rất phức tạp…”.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Giám đốc BV Nhi đồng I - tâm tư: “Hiện nay dịch bệnh diễn ra quanh năm, vì vậy BV vốn quá tải lại càng quá tải. Khoa hồi sức cấp cứu không đủ giường và trang thiết bị phục vụ bệnh nhân nặng”.
Sở dĩ, các BV chuyên khoa và nhi ở TP.HCM quá tải như hiện nay, một phần không nhỏ là do dân số tăng từ 3,3 triệu người (trước giải phóng) lên trên 8 triệu người. Trong khi đó, số giường bệnh hầu như tăng rất ít. Đó là chưa kể bệnh nhân từ các tỉnh khác đổ về…
Tăng cường xây dựng BV
Quan điểm chỉ đạo của TP.HCM là phải khắc phục tình trạng quá tải BV, trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực. Theo đó, ngoài việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất các BV trung tâm như BV Nhi đồng I, Nhi đồng II, Nhân dân Gia định, Đa khoa Sài Gòn, Tai Mũi họng, Nhân dân 115… phải tập trung phát triển các BV cửa ngõ.
ThS. Nguyễn Văn Biết - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho hay: “Hiện nay, ngành y tế TP.HCM đã hoàn chỉnh quy hoạch phát triển ngành đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2025. Các dự án trọng điểm cửa ngõ TP bao gồm cửa ngõ phía Bắc (BV Đa khoa khu vực Củ Chi - Hóc Môn), cửa ngõ phía Nam (BV Chấn thương chỉnh hình - Trung tâm xét nghiệm y khoa TP), cửa ngõ phía Đông (BV Đa khoa khu vực Thủ Đức - BV Ung bướu), cửa ngõ phía Tây (BV Nhi đồng TP). Tổng số giường bệnh là 5.500 giường, trong đó nhi là 1.000 giường. Dự kiến năm 2013 sẽ khởi công và năm 2015 hoàn thành đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, trong năm 2012 sẽ hoàn thành việc quy hoạch Cụm y tế Tân Kiên - Bình Chánh (50ha) và khu Viện trường Củ chi (Phước Hiệp, H.Củ Chi)”. Không chỉ có vậy, tại từng BV cũng đã đưa ra nhiều biện pháp để giảm tải, trong đó có việc hỗ trợ kỹ thuật, bác sĩ cho các BV tuyến dưới.
Ông Hứa Ngọc Thuận - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết: “Qua khảo sát cho thấy, hiện nay các BV quận, huyện của TP.HCM vẫn chưa sử dụng hết công suất giường bệnh. BV cao nhất cũng chỉ sử dụng 70% công suất. Trong khi đó các BV tuyến trên lại quá tải. Do vậy, TP đã chọn những quận, huyện có đông dân để tăng cường bác sĩ có tay nghề từ các BV tuyến trên về. Với những bác sĩ này, TP hỗ trợ thêm từ 1-3 triệu đồng/ tháng”.
Được biết, hiện TP.HCM đang tăng tốc đào tạo đội ngũ y bác sĩ, dự kiến mỗi năm sẽ có 800-1.000 bác sĩ ra trường.
Bài, ảnh: Hòa Triều
“Sau khi làm việc với TP.HCM, Hà Nội cùng một số BV, Bộ Y tế sẽ trình Thủ tướng Chính phủ đề án này”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.