Thứ sáu, 2/3/2012, 15h03

Dạy mẫu

Thằng bé đi học về buồn rười rượi. Để cặp một cách nặng nề lên bàn, nó chạy nhanh vào phòng, lặng lẽ khóc một mình. Tôi gặng hỏi, vỗ về mãi nó mới thổ lộ: “Ngày mai, mấy bạn được học mẫu nhưng con phải ở nhà!”. Tìm hiểu thêm tôi mới biết được rằng: Tiết học mẫu ngày mai chỉ có học sinh (HS) khá giỏi mới được tham dự. HS trung bình và yếu thì được giáo viên cho phép nghỉ ở nhà. Tôi chỉ biết an ủi thằng bé và khuyên cháu cố gắng học cho khá giỏi để lần sau được tham gia cùng các bạn.
Những tiết dạy minh họa như thế thường là có một “kịch bản” do những giáo viên trong tổ, nhóm xây dựng. Kiểm tra bài cũ thế nào để không gây khó cho học sinh. Giới thiệu bài mới làm sao để gây hứng thú cho các em và cả người dự giờ!… Tuy nhiên, muốn “kịch bản” hoàn hảo thì không thể có những “diễn viên chưa đủ độ chín” - những HS có học lực trung bình hay yếu. Giáo viên lúc nào cũng muốn đồng nghiệp đánh giá tốt tiết dạy của mình nên hầu như chỉ chọn những em học khá giỏi trong tiết dạy mẫu.
Ở góc độ sư phạm, dự giờ những tiết dạy thế này hầu như giáo viên chẳng học hỏi được gì nhiều ở đồng nghiệp bởi không khó để hiểu ý đồ của “đạo diễn”. Từng bước lên lớp được thiết kế với thời gian thật chuẩn xác. Từng câu trả lời của HS thật khớp với nội dung bài học, thậm chí đúng từ dấu phẩy, dấu chấm! HS không đáng trách vì các em chỉ thực hiện theo yêu cầu người lớn. Điều đáng buồn ở đây là chính người lớn đã dạy cho các em những bài học không đáng có. Những HS được tham gia tiết học sẽ có tính tự kiêu bởi vì các em cho rằng mình học giỏi hơn các bạn ở nhà. Ngược lại, sự mặc cảm tự ti vì mình học dở sẽ luôn đeo bám những em không được tham gia tiết học. Ở một góc nhìn khác, đây là một trong những “triệu chứng” của căn bệnh thành tích mà cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa có được phương thuốc điều trị hiệu quả.
Một tiết dạy minh họa thế nào để đồng nghiệp có được những bài học kinh nghiệm sau khi dự giờ mới là đạt hiệu quả. Đâu cần thiết loại bỏ những em HS trung bình, yếu kém ra khỏi tiết dạy. Biết đâu qua những tình huống phát sinh từ những đối tượng HS này mà chúng ta có thêm được những trải nghiệm sâu sắc trong sự nghiệp trồng người.
Lê Tấn Thời  (An Giang)