Thứ bảy, 17/9/2016, 19h24

Dạy ngoại ngữ: Không phải cứ tốt nghiệp ĐH là dạy được

Ngày 17-9, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 của đề án “Dạy và học ngoại ngữ (NN) trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (Đề án NN quốc gia 2020). Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị...

GV đang hướng dẫn học sinh ôn tập môn tiếng Anh. Ảnh: M.Bình

“Việc dạy và học NN trong thời gian quacó nhiều kết quả, nhưng lớn nhất là bài học kinh nghiệm. Trong đó có thể thấy, nhiều nơi chưa nhận thức đúng vai trò của đề án; nhiều mục tiêu đặt ra quá cao so với thực tiễn, dẫn đến không thực hiện được, việc thực hiện không bám sát thực tế, làm lãng phí đầu tư, hiệu quả dạy và học hạn chế, thể hiện rõ nhất trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa qua”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu.

Nhìn thẳng vào sự thật, ông Nhạ nói: Sau 5 năm thực hiện đề án, thấy rõ nhất là đầu tư dàn trải. Phân kinh phí về cho các bộ ngành, địa phương rồi mới triển khai, như vậy là không hiệu quả. Trong khi đó, để nâng cao chất lượng dạy và học NN, vấn đề quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên (GV) chuẩn thì không chú trọng đầu tư hoặc đầu tư chưa thỏa đáng, khiến chất lượng dạy và học thấp. Hay như tài liệu, giáo trình dạy NN chưa theo chuẩn khung NN châu Âu, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành dẫn đến tâm lý GV chạy theo các chứng chỉ để đối phó. Phương thức dạy NN chưa đúng, việc dạy và học NN online rất cần trong điều kiện hiện nay thì lại bị xem nhẹ; việc đào tạo, bồi dưỡng GV còn thiên về tập trung các lớp vào dịp hè - trong khi thầy cô rất thiếu thời gian.

“Dạy và học NN mà không chuẩn thì thà không dạy còn hơn. Vì các em học sai từ nhỏ thì sau này rất khó sửa. Không phải cứ tốt nghiệp ĐH sư phạm NN là dạy được NN, vì phải chuẩn và có kỹ năng. Dạy và học NN hiện nay quá chú trọng hàn lâm. Nhiều em giỏi về ngữ pháp, thi chứng chỉ NN rất cao, nhưng gặp người nước ngoài không biết nói chuyện. Dạy và học NN phải hướng về đại chúng, thực hành, ứng dụng, chứ không phải để thi, luyện thi”, ông Nhạ bức xúc.

Theo đó, ông yêu cầu có thay đổi, điều chỉnh việc dạy và học NN trong nhà trường. Và ngay trong năm học này, các cơ sở giáo dục phải tập trung vào việc rà soát, củng cố, nâng cao kỹ năng dạy NN của GV; các mục tiêu đề ra phải bám sát năng lực thực tế của GV. Các địa phương rà soát số lượng GV, đối chiếu chuẩn GV, tiến hành đào tạo lại. Đội ngũ GV dạy NN trong các cơ sở giáo dục phải bám theo năng lực NN 6 bậc để đào tạo, bồi dưỡng lại. “Phải tập trung vào đội ngũ GV. Thiếu thì đào tạo thêm, yếu thì bồi dưỡng lại. Yếu quá thì bố trí công việc khác, không để thầy cô quá yếu dạy NN”, ông Nhạ yêu cầu.

Trong đó, cần thay đổi cách đào tạo, bồi dưỡng GV, đề cao phương thức online, đẩy mạnh áp dụng CNTT trong đào tạo thầy cô. Hình thành một số trung tâm học liệu đào tạo trình độ NN cho GV. Cùng với đó, đổi mới công tác kiểm định khảo thí, làm nghiêm việc chứng nhận trình độ đạt theo khung trình độ 6 bậc.

“Tại thời điểm này chưa thể biết đến bao giờ tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam. Nhưng nếu không phấn đấu ngay từ bây giờ, đưa ra kế hoạch, mục tiêu triển khai thì sẽ không thể nào đạt tới mục tiêu đó. Singapore mất 38 năm với lộ trình triển khai bền bỉ để sử dụng tiếng Anh như một NN thứ 2. Chúng ta cũng cần phải đặt mục tiêu phấn đấu”, ông Nhạ nhấn mạnh.

Ngay từ năm học này, phải điều chỉnh lại việc thực hiện đề án. Tránh tình trạng đi nhanh nhưng không bền vững, sử dụng lãng phí đầu tư khiến xã hội bức xúc, ông Nhạ nêu.

Mục tiêu mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đặt ra là học sinh phổ thông nắm chắc ngữ pháp, giao tiếp tiếng Anh cơ bản, sau đó lên ĐH lựa chọn ngành nghề với NN chuyên ngành, bảo đảm sau tốt nghiệp ĐH các em sử dụng được tiếng Anh.

N.H-P.Th