Thứ bảy, 27/8/2016, 21h14

Dạy thêm cần có cái tâm trong sáng

Dạy thêm, học thêm không có gì là xấu khi người dạy lẫn người học đều có cái tâm trong sáng. Đó là mấu chốt của vấn đề. Song trên thực tế, khá nhiều người dạy lẫn người học vẫn còn mục đích khác ngoài chức năng giáo dục.

Thứ nhất là về người học. Học sinh đi học thêm, bên cạnh để nâng cao kiến thức thì vẫn còn nhiều em vì những áp lực khác liên quan đến điểm số. Gia đình muốn con đạt kết quả này, thành tích nọ nên áp đặt con học vô tội vạ. Học sinh phải học bởi mong muốn vô cùng của cha mẹ chứ không phải là nguyện vọng của mình. Rồi cả việc sợ “bị đì” nên các em phải học thêm thầy cô trực tiếp dạy ở lớp. Tất cả những điều đó đặt áp lực lên vai người học. Học sinh phải theo người lớn.

Thứ hai là về người dạy. Bản thân một số giáo viên dạy vẫn còn nặng về kinh tế. Những học sinh lớp mình dạy mà không học thêm thì sẽ “có chuyện” như ứng xử chưa hay hoặc “quan tâm” quá mức trên lớp. Ưu tiên các “đệ tử ruột” trong lớp học thêm như cho điểm phóng khoáng, “mớm” đề hoặc ra đề không nằm trong bài học trên lớp. Thành thử những học sinh học thêm thường có điểm cao để các em và phụ huynh thấy rõ “lợi ích” của việc học thêm tại nhà thầy. Đây là một thực tế tồn tại bao lâu nay và khá phổ biến ở nhiều nơi. Nỗi khổ là học sinh không học thêm gánh chịu và bắt buộc các em phải vào lớp học thêm dù không muốn và chẳng có nhu cầu.

Đó là hai mặt chưa tốt về vấn đề dạy và học thêm. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều người dạy và người học thêm đều hướng tới giá trị nhân văn - giá trị đạo đức đích thực của sự nghiệp giáo dục. Xin kể hai câu chuyện sau đây để minh chứng điều đó. Câu chuyện thứ nhất về người học: Chị bạn tôi có con đang học THCS. Giáo viên bộ môn tổ chức lớp học thêm tại nhà nhưng chị không đăng kí cho con học thêm ở nhà giáo viên đó. Mặc dù nhà cô giáo đó gần nhà nhưng chị lại chở con đi học thêm ở giáo viên khác rất xa nhà. Hỏi, chị cho hay không vì điểm số, thêm vào đó con chị lại thích phương pháp dạy nhẹ nhàng, thân thiện và gắn liền với thực tế nên chị để con mình học thêm ở nơi con thích học. Ngoài kiến thức sách vở, con chị còn được học những bài học thực tế từ cuộc sống mà giáo viên dạy cho học sinh. Câu chuyện thứ hai là về người dạy. Anh bạn tôi dạy thêm cho một cậu học sinh mà anh làm chủ nhiệm. Anh không chỉ dạy chuyên môn mà còn dò bài một số môn khác trong khả năng của mình. Kết quả học kì 1, điểm môn anh dạy rất thấp. Kết quả cuối năm cũng chẳng sáng sủa gì. Anh cho hay, đề anh có thể “mớm”, điểm số trong tầm tay, anh lại là giáo viên chủ nhiệm của lớp…, đủ mọi điều kiện để học sinh lên lớp nhưng chính cậu học sinh ấy lại bị ở lại lớp bởi môn anh dạy. Anh bạn cho biết vì học quá yếu, để học sinh lên lớp như vậy là không công bằng, đôi lúc lại nghĩ nếu để học sinh này lên lớp có khi còn hại cho em. Học lại một năm cũng là điều tốt cho những học sinh quá yếu để nắm vững kiến thức, bởi vậy anh quyết định để điểm số bằng chính năng lực của trò. Thực tế hiếm có thầy cô nào có suy nghĩ như vậy.

Hoàng Đà Lạt