Thứ ba, 3/3/2009, 15h03

Dạy thêm, học thêm - vấn đề không chỉ dừng ở một hoạt động trong và ngoài nhà trường

Dạy thêm, học thêm (DT, HT) những năm gần đây là một vấn đề được GV, HS, các bậc phụ huynh, các nhà trường và cả dư luận xã hội rất quan tâm. Trước thực tế có không ít HS ngoài buổi học trên lớp phải bước vào một cuộc “chạy đua” đến các lớp HT; không ít phụ huynh vừa đón con em từ trường về là đưa ngay đến nơi HT. DT HT quá nhiều thực tế đã gây áp lực lớn với HS. Không chỉ vậy, áp lực từ việc DT, HT tràn lan cũng tác động đến chính GV. Rồi việc DT, HT còn liên quan đến kinh tế của nhiều gia đình khi phải chi cho con em nhiều tiền để tham gia HT thì có thể ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của gia đình. Một số biểu hiện không lành mạnh từ DTHT xuất hiện như giờ dạy trên lớp chưa đảm bảo đầy đủ chất lượng nhưng lại dành một phần kiến thức trên lớp để DTHT, hay có sự phân biệt giữa các HS tham gia các lớp HT và không tham gia HT…

Trong khi những bức xúc về DTHT đang xuất hiện ở nơi này hoặc nơi khác thì tại Hà Nội dự thảo quy định về quản lý DTHT được đưa ra lấy ý kiến trước khi hoàn chỉnh để Sở GD- ĐT trình UBND thành phố.

DTHT vốn là việc làm rất bình thường, vì trong thực tế, ngoài thời gian học trên lớp, việc thầy hướng dẫn thêm, bổ sung kiến thức cho trò còn học yếu, hay trò học thêm để nâng cao kiến thức... được coi là cần thiết. Khi tổ chức phụ đạo, hay bồi dưỡng HS giỏi không thu kinh phí, không thu gì của HS hết, song các thầy vẫn vui vẻ, tự nguyện dành thời gian, tâm sức để giúp HS học tốt hơn và điều này không gây ra lời phàn nàn nào. Còn khi DTHT có những biểu hiện được gọi chung là “tiêu cực”, tổ chức DT quá nhiều để thu tiền, hay HT một cách “miễn cưỡng” để “được lòng” thầy, HT quá sức của HS, hay DTHT trong những điều kiện địa điểm, lớp học, CSVC phòng học không phù hợp... khiến phụ huynh lo ngại, cấp quản lý băn khoăn.

Cũng có ý kiến cho rằng hiện chủ yếu các cấp, các cơ quan chức năng mới tập trung quản lý ở hình thức DTHT trong nhà trường, còn về DTHT diễn ra ngoài nhà trường thì có tình trạng “quy định cứ quy định”, DTHT đủ kiểu vẫn diễn ra bất chấp có phép hay không. Thực tế, bên cạnh DTHT trong nhà trường, việc quản lý và xử lý tổ chức DTHT ngoài nhà trường là vấn đề và lâu nay dư luận xã hội bức xúc. Có ý kiến lại cho rằng cần có quy định cụ thể hơn về việc xử lý những vi phạm trong quản lý DTHT, vì việc xử lý những vi phạm trong DTHT ngoài nhà trường hết sức khó khăn, việc kiểm tra hoạt động DTHT tại nhà riêng hay tại địa điểm được thuê không đơn giản và không chỉ một mình cơ quan chuyên môn có thể kiểm tra được, việc kiểm tra DTHT tại nhà riêng hay tại địa điểm được thuê phải gắn với chính quyền và một số cơ quan chức năng khác. Bên cạnh đó, trong một thời gian khá dài DTHT bị coi là một điều rất bức xúc cũng có phần do một số đối tượng tham gia DT nhưng chưa đủ trình độ, chưa đủ bằng cấp sư phạm (chủ yếu theo hình thức gia sư, thông qua quảng cáo dưới nhiều dạng). Điều này cũng khiến “vàng- thau lẫn lộn”, những hình thức DTHT chính đáng và hợp lý (được sự đồng tình của phụ huynh, HS, có sự cho phép của cơ quan chức năng) đôi khi lại bị ảnh hưởng “tiếng xấu” từ những hình thức DT, HT tuỳ tiện (GV ra sức tự mở lớp DT để thu tiền, HS được bố mẹ đưa đến lớp HT chỉ để có chỗ “quản lý” hộ ngoài giờ học chính khoá... hay vì những lý do không đúng mục đích và tinh thần đúng đắn của HT).

Trong DTHT nếu có quy định rõ ràng, hoạt động DTHT được cấp phép thì người GV tham gia DT có thể yên tâm tổ chức dạy và học tốt, không phải lo ngại, băn khoăn rằng mình đang làm việc ấy đúng hay sai. Điều kiện đời sống của GV hiện nay còn khó khăn, nhưng khi GV được sống bằng nghề của mình, được đem công sức trí tuệ của mình để giúp HS học tốt hơn, hiểu bài kỹ hơn, nắm chắc kiến thức hơn và cải thiện đời sống cho chính mình bằng nghề thì đó là điều hoàn toàn không có gì đáng trách.

Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích từ DTHT thì bản thân GV nên nhận thức đầy đủ yếu tố đạo đức của người thầy trong hoạt động này. Đối với nhà giáo việc khẳng định uy tín, danh dự, niềm vui của người thầy... thực chất là phải cân đối được giữa nhu cầu DTHT với điều kiện thực tế, cũng cần lấy tình thầy- trò, đạo đức nhà giáo để điều chỉnh các hoạt động DTHT. Nếu GV nhận thức được đầy đủ thì dù HS đi HT phải đóng tiền, song HS tiếp thu được cái mới, kết quả học tập tốt hơn, không bị quá sức, thì công ơn thầy cô chắc chắn được ghi nhận. Còn nếu DTHT chỉ để thoả mãn, đáp ứng nhu cầu trước mắt là bài kiểm tra sẽ có điểm như thế này hay thế kia, hay HT chỉ để “đối phó”, “làm đẹp lòng” thầy, thì hình ảnh của người thầy ở hoàn cảnh DT ấy có thể không còn đẹp đẽ trong mắt của HS.

Tất cả những hiện tượng của DTHT cần sớm được xem xét, giải quyết một cách nghiêm túc, nhằm điều chỉnh các hoạt động DTHT trong và ngoài nhà trường hiệu quả hơn, như mong muốn chính đáng của GV, HS, phụ huynh và xã hội.

Theo GD&TĐ