Thứ sáu, 20/8/2010, 08h08

Dạy tiếng Anh tăng cường bậc THCS: Giáo viên có quyền chọn giáo trình

Học sinh THCS học chương trình TCTA ở TP.HCM đang giao lưu với nhau bằng tiếng Anh

Sáng 19-8, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Hoài Chương đã có cuộc họp đột xuất với giáo viên, chuyên viên tiếng Anh của 24 quận, huyện. Trước đó, một số tờ báo đã thông tin sai về việc thay giáo trình chương trình tăng cường tiếng Anh (TCTA) ở bậc THCS…
TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện chương trình TCTA. Sau 11 năm (từ năm 1999 đến nay), chương trình TCTA đã được triển khai ở cả 3 bậc học: tiểu học, THCS và THPT tại 24 quận, huyện. Ông Nguyễn Hoài Chương cho biết: “Mô hình này đã được nhiều đoàn tham quan đánh giá cao. Thậm chí một số đoàn nước ngoài còn cho rằng mô hình này có thể làm thí điểm về việc dạy tiếng Anh ở các nước trong khu vực Đông Nam Á”.
Nhiều “sạn” trong giáo trình ở bậc THCS
Về giáo trình, ở bậc tiểu học, học sinh các lớp TCTA được học giáo trình Let go. Với giáo trình này, các em được học cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Và theo đánh giá của nhiều giáo viên thì không chỉ học sinh mà cả phụ huynh đều rất hài lòng về giáo trình này.
Tuy nhiên ở bậc THCS, với giáo trình American Hotline (lộ trình B) và Grammar Sense (lộ trình A) thì lại có quá nhiều “sạn” gây không ít bức xúc cho giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Cô Tô Thị Lan - giáo viên dạy chương trình TCTA tại Trường THCS Tùng Thiện Vương, Q.8 kể lại: “Trong giáo trình American Hotline dành cho học sinh lớp 6, ngay bài đầu tiên là cảnh hai nhóm thanh niên gặp nhau. Một cô gái do “chảnh” nên nhóm kia thấy ghét, lời qua tiếng lại thế là hai nhóm đánh nhau rồi xô nhau xuống sông. Q.8 có nhiều sông, học sinh học xong bắt chước rất dễ đẩy nhau xuống sông. Một bài khác là hình ảnh hai ông bạn già ngồi uống rượu với nhau, sau đó một ông say và nằng nặc đòi gả con gái cho ông kia. Còn giáo trình Grammar Sense thì toàn chữ là chữ, trình bày đen trắng không hấp dẫn được học sinh. Có phụ huynh cầm quyển sách lên nói với tôi: “Cô giáo dạy con tôi học thạc sĩ hay học THCS vậy, sao lại bắt cháu học sách chi chít chữ thế này”. Và phụ huynh nằng nặc đòi phải thay sách khác…”.
Một chuyên viên tiếng Anh Phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức bức xúc: “Trong khi nhà trường khuyên ngăn học sinh không được yêu đương thì trong giáo trình American Hotline lại nói về chuyện yêu đương. Có học sinh nói với giáo viên rằng: “Cô giáo vừa cấm tụi con yêu đương lại vừa dạy bài yêu đương”. Điều đó là rất mâu thuẫn và có tác hại ghê gớm trong việc giáo dục học sinh”.
Không chỉ có vậy, thầy Hà Triệu Duy Dương - chuyên viên tiếng Anh Phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh còn cho biết: “Ở tiểu học, với giáo trình Let go, học sinh rất thành thạo 4 kỹ năng: nghe, đọc, viết và nói nhưng khi lên THCS thì giáo trình Grammar Sense là một cực hình đối với các em cũng như giáo viên. Giáo trình Grammar Sense chỉ có một động thái là ngữ pháp, còn nghe - nói thì hoàn toàn mờ nhạt. Đã vậy giáo trình này hiện không đủ sách, muốn mua phải đặt trước”…
Đã đến lúc phải thay giáo trình mới
Với những hạn chế nói trên, hầu hết các giáo viên dạy chương trình TCTA ở bậc THCS đều mong mỏi thay giáo trình khác. Cô Nguyễn Thị Thu Sương - chuyên viên tiếng Anh Phòng GD-ĐT Q.3 cho biết: “Từ nhiều năm nay cả thầy và trò đã phải chịu đựng những giáo trình không phù hợp. Chúng tôi rất muốn có một giáo trình mới để thay thế…”.
“Bây giờ mới thay là đã muộn rồi, bởi sách cũ quá lạc hậu - vẫn sử dụng băng trong khi các giáo trình khác đã xài đĩa”, một chuyên viên tiếng Anh Phòng GD-ĐT Q.7 cho biết thêm.
Theo đó, tháng 9-2009, các chuyên viên tiếng Anh của 24 phòng GD-ĐT quận, huyện đã được phát một bộ sách mới - giáo trình Solutions. Sau một thời gian tham khảo, tất cả các chuyên viên đều cho rằng giáo trình này rất phù hợp với học sinh THCS. Bởi, nội dung tốt, thỏa mãn được 4 kỹ năng: nghe, đọc, viết và nói. Các chủ đề cập nhật thời sự và gây được hứng thú cho học sinh.
Q.8 là địa phương đầu tiên thí điểm giáo trình này trong năm học 2009-2010. “Với giáo trình Solutions, cả giáo viên và học sinh rất phấn khởi. Học sinh đã được cung cấp 4 kỹ năng để tham dự các kỳ thi của ĐH Cambridge”, cô Lan - Q.8 cho biết.
Solutions là một giáo trình rất hay, giáo viên đã được đọc và rút kinh nghiệm trong một thời gian dài. Chúng tôi tha thiết và mong mỏi trong thời gian sớm nhất được thay sách để cả người dạy lẫn người học vui mừng”, thầy Khương - Q.Bình Thạnh nói.
Quá thất vọng về giáo trình cũ và được sự đồng ý của tất cả các giáo viên dạy chương trình TCTA bậc THCS, ngay từ đầu năm học 2010-2011, Phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức đã triển khai xuống trường là thay giáo trình cũ bằng giáo trình Solutions. Tuy nhiên, khi một tờ báo đăng tin là không có chuyện thay sách thì phụ huynh rất hoang mang. Theo đó, dù năm học 2010-2011 đã triển khai được gần một tuần nhưng các trường THCS tạm thời chưa dạy chương trình TCTA mà chỉ dạy theo chương trình tiếng Anh của Bộ GD-ĐT. “Mong muốn sớm có văn bản chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP để dạy theo sách mới”, đại diện Phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức mong mỏi.
Trước những tâm tư, nguyện vọng của các phòng GD-ĐT quận, huyện và trên hết là sự không phù hợp của giáo trình cũ, ông Nguyễn Hoài Chương khẳng định: “Tôi không thể ra văn bản bắt các trường học dạy theo giáo trình Solutions nhưng sẽ ra một văn bản giao quyền chủ động chọn giáo trình cho giáo viên. Trong văn bản, tôi sẽ đưa ra một nhóm giáo trình, các quận, huyện tự quyết định cho học sinh học giáo trình nào mà thấy phù hợp nhất”.
Dự kiến, hôm nay (ngày 20-8), văn bản này sẽ được ký ban hành…
Bài, ảnh: Kim Anh