Thứ tư, 26/5/2010, 16h05

Dạy tiếng Khmer trong trường phổ thông

Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm tỉ lệ 30% dân số. Từ năm 1992, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nghị quyết và chỉ thị về việc tăng cường công tác giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Đến nay, việc dạy tiếng Khmer trong trường phổ thông được tổ chức ra sao? Ông Kiên Quân - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Trà Vinh - cho biết:
Ngay sau khi có nghị quyết và chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chúng tôi đã xây dựng nội dung, chương trình, sách giáo khoa tiếng Khmer theo hướng dẫn của Bộ GDĐT. Đội ngũ giáo viên (GV) là người dân tộc Khmer đa số đều được đào tạo qua trường lớp sư phạm song ngữ. Có chế độ, chính sách ưu đãi dành riêng cho GV dạy tiếng Khmer. Tuy nhiên, cái khó là hiện nay chưa có chương trình đào tạo nâng chuẩn cho GV dạy tiếng Khmer.
Lớp dạy tiếng Khmer ở chùa Ông Mẹt, TP.Trà Vinh.
Xin ông nói rõ hơn về quy mô và hình thức tổ chức đào tạo?
Cả tỉnh có 8/8 huyện, thành phố thực hiện dạy tiếng Khmer trong trường phổ thông. Năm học 2009-2010, triển khai ở 108 trường, với 13.939 học sinh (HS) và 142 GV tham gia, trong đó bậc TH 695 lớp, bậc THCS 27 lớp, bậc THPT 14 lớp. Các trường đều tổ chức dạy tiếng Khmer theo đơn vị lớp có sẵn để tận dụng các điều kiện dạy và học, không gây xáo trộn. Nội dung chương trình, sách giáo khoa vừa sức, phù hợp với tiết dạy môn tiếng dân tộc.
Hàng năm, sở GDĐT đều tổ chức thi GV dạy giỏi môn ngữ văn Khmer, riêng năm học 2009- 2010 có 9 GV đạt danh hiệu dạy giỏi. Đối với HS, các trường đều tổ chức thi HS giỏi môn ngữ văn Khmer, năm học này có 7 HS giỏi môn ngữ văn Khmer cấp tỉnh và 652 HS được công nhận trình độ cấp 1 ngữ văn Khmer.
Việc dạy tiếng dân tộc cũng được thực hiện thường xuyên tại nhiều chùa Khmer, nhiều vị sư sãi tham gia mở lớp dạy tiếng Khmer trong dịp hè. Đây thực sự là kết quả đáng phấn khởi, cần được tiếp tục thực hiện tốt hơn trong những năm học tới.
Tấn Đạt thực hiện
Lao Động