Thứ sáu, 24/7/2009, 10h07

Dạy trẻ cách tự “bơi”

Cho con học các lớp kỹ năng sống đã gần như trở thành một trào lưu khá phổ biến của các gia đình ở thành thị hiện nay.
Chị D.T.H, nhà ở phố Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) mới đăng ký cho cô con gái 6 tuổi của mình tham gia khóa học về kỹ năng sống ở một trung tâm trên phố Yết Kiêu, nói: "Tôi để ý thấy cháu ở nhà thì khá hoạt bát, nhanh nhẹn nhưng cứ đến nơi công cộng hoặc vào nhà người lạ tự dưng tỏ ra rất nhút nhát, kiệm lời và hầu như không muốn tham gia vào các hoạt động thể hiện bản thân. Chính vì vậy, khi có thông tin về khóa học rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ em, tôi là một trong những phụ huynh ghi danh đầu tiên". Trên các diễn đàn của nhiều trang web dành cho cha mẹ và con cái, chủ đề cho trẻ đi học kỹ năng sống trở thành đề tài được bàn thảo rất sôi nổi.
Một lớp học kỹ năng sống tại Trung tâm FasTrackids - Ảnh: Tuệ Nguyễn
Theo ghi nhận của PV, đáp ứng nhu cầu, những khóa học trang bị kỹ năng sống cho trẻ cũng ra đời ngày càng nhiều dưới đa dạng các hình thức, tên gọi khác nhau. Thậm chí, có khóa học chiêu sinh trẻ tuổi lên... 3. Tùy theo chương trình, các khóa huấn luyện được thiết kế từ 5 buổi đến 2 năm, với mức học phí từ vài trăm ngàn đồng đến hàng ngàn USD.
Đại diện của trung tâm FasTrackids, một trung tâm chuyên về giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em cho biết, dù vừa khai trương, trung tâm đã có gần 200 trẻ đăng ký tham gia khóa học. Chi phí cho mỗi khóa học (2 năm) tại trung tâm là 1.500 USD, nếu đóng 1 lần cho cả 2 năm thì được giảm xuống còn 1.300 USD/em; mức thu tối thiểu là 4 tháng/lần với 250 USD/em.
Không chỉ dạy tại chỗ, một số trung tâm còn liên kết với các trường mẫu giáo, tiểu học, THCS để mở khóa học rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ em. Mùa hè này, trung tâm ABS Training kết hợp với các trường như tiểu học Dịch Vọng B, THCS Lý Thường Kiệt; Trung tâm Tâm Việt thì kết hợp với trường Đoàn Thị Điểm... để mở khóa học kể trên với thời gian 12 tuần (mỗi tuần một buổi). Kinh phí cho mỗi khóa học ngắn và có kết hợp với các trường thường chỉ ở mức 400 - 500 ngàn đồng/em. Nhưng đây là một hình thức để các trung tâm tiếp cận với đông đảo phụ huynh để giới thiệu về hoạt động của mình.
Như một môn khoa học thực thụ, ở mỗi lứa tuổi khác nhau việc giáo dục kỹ năng sống cũng có những cấp độ khác nhau từ cơ bản đến nâng cao. Tuy nhiên, tựu chung lại thì các trung tâm đều tập trung vào việc rèn luyện kỹ năng cần thiết và cũng là "lỗ hổng" đáng lo ngại trong giới trẻ hiện nay như: kỹ năng giao tiếp (diễn đạt và lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ, góp ý và biết cách học hỏi từ những lời phê bình); kỹ năng tự lập (quản lý thời gian và lập kế hoạch cho các hoạt động, biết áp dụng kiến thức đã học vào cuộc sống, biết tồn tại trong một môi trường không quen thuộc, tự tin, sáng tạo)... Kỹ năng xử lý tình huống mà các trung tâm đưa ra cũng đánh trúng tâm lý của các bậc làm cha mẹ, đó là việc dạy cho trẻ biết phản ứng linh hoạt, biết ứng phó với sự căng thẳng, biết đối phó khi bị bắt nạt, lạm dụng...
Tuy nhiên một nhà tâm lý học cũng lưu ý: Không thể nói học kỹ năng sống sẽ giúp trẻ sống tốt hơn, biết cách cư xử lịch sự hơn, bởi điều đó còn tùy thuộc vào bản chất của trẻ, văn hóa gia đình và cách giáo dục con của cha mẹ. Cũng không thể khẳng định chỉ cần những khóa học ấy sẽ đủ trang bị cho trẻ những kỹ năng sống cần thiết để tự tin vào đời, mà cha mẹ luôn phải đồng hành cùng con để liên tục điều chỉnh, hỗ trợ kỹ năng sống cho con phù hợp với lứa tuổi và thực tế cuộc sống.
Tuệ Nguyễn (TNO)