Thứ hai, 13/6/2011, 11h06

Dạy trẻ đọc sách

Đọc sách chắc chắn sẽ trở thành thói quen tốt cho học sinh, nếu từ gia đình và nhà trường cùng xem trọng việc đọc sách. Ảnh: Vũ Ly
Sách là kho tàng tri thức vô tận, là cách giải trí, thư giãn trí tuệ. Tuy nhiên, hiện nay, với sự phát triển của các phương tiện thông tin nghe nhìn thì trẻ em rất ít đọc sách. Phim ảnh trên truyền hình, băng dĩa, trò chơi điện tử… thu hút các em hơn.
Muốn trẻ đọc sách thì ở gia đình, cha mẹ nên tập các em đọc sách, làm quen với sách từ lúc còn bé. Hãy thử thay việc kể chuyện bằng cách đọc cho trẻ nghe những câu chuyện từ cổ tích đến câu chuyện giáo dục. Thời gian đầu, có thể đọc cho trẻ nghe các quyển truyện tranh. Những hình ảnh, màu sắc trong sách sẽ làm trẻ thích thú vì lạ lẫm, đẹp. Trẻ sẽ vừa nghe vừa nhìn hình. Cha mẹ nên yêu cầu trẻ đọc sách cho mình nghe, hướng dẫn bé đọc đúng, ngắt câu đúng chỗ, giải thích những từ các em chưa hiểu… Khi trẻ lớn hơn thì hướng dẫn các em chọn lựa sách phù hợp với lứa tuổi, ý thích… Điều này hết sức quan trọng vì có cha mẹ thấy con thích đọc sách nhưng không kiểm tra xem con mình đọc sách gì? Có phù hợp không? Chẳng hạn một số truyện tranh hiện nay có nội dung bạo lực, tình dục… nếu người lớn không chú ý, tác hại khó lường. Cha mẹ cũng nên đọc các quyển sách mà con mình đọc để nắm nội dung, sau đó trao đổi cùng trẻ. Các em sẽ rất hào hứng trao đổi những ý kiến của mình về nhân vật, chi tiết hay, thú vị… Gia đình cũng có thể làm một con dấu “Tủ sách gia đình”, ghi tên chung của gia đình và ngày mua quyển sách. Các em sẽ hết sức thú vị khi đọc lại quyển sách đã mua từ rất lâu, gắn với kỉ niệm nào đó như mua vào ngày sinh nhật, ngày 1/6...
Khi đến trường, thầy cô giáo cũng nên hướng dẫn, khuyến khích các em đọc sách. Ngay từ đầu lớp 1, ngoài kể chuyện, giáo viên có thể đọc cho các em nghe các câu chuyện phù hợp lứa tuổi. Đến học kì II, giáo viên có thể cho các em tự đọc sách cho nhau nghe. Nguồn sách từ thư viện trường hay do chính các em mang vào. Hiện nay một số trường tiểu học có Tủ sách lớp em, đó là điều rất đáng hoan nghênh. Việc đề nghị các em mang sách từ nhà vào lớp đọc là tạo điều kiện để phụ huynh lẫn học sinh quan tâm đến việc đọc sách. Các em sẽ rất hứng thú đọc, ham đọc những quyển sách hơn là những bài đọc quen thuộc trong SGK. Đọc sách chẳng những luyện cho học sinh đọc đúng hơn, đọc diễn cảm hơn mà thông qua đó còn giáo dục, dạy dỗ, mở mang các kiến thức cho các em. Ở các lớp 4, lớp 5, thầy cô cũng nên giới thiệu các em đọc các tác phẩm văn học được trích đoạn làm bài tập đọc. Hay hướng dẫn các em đọc thêm các quyển sách lịch sử, khoa học… liên quan đến bài học ở lớp. Ngay cả các môn toán, lý, hóa… thầy cô cũng có thể bảo các em tìm đọc về danh nhân khoa học, vật lý vui, hóa học vui… vừa thư giãn vừa bổ sung kiến thức.
Các hội thi kể chuyện sách trong trường cần nên thực hiện thường xuyên hơn, vì đây chính là phong trào kích thích trẻ đọc sách. Tổ chức cho học sinh thuyết trình về quyển sách mà thầy cô yêu cầu đọc hoặc quyển sách mà các em yêu thích nhất. Đây là cách làm rất hay mà các trường trung học nên nhân rộng hơn trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa.
Để trẻ có thói quen đọc sách, thích đọc sách là cả một quá trình dài, không dễ dàng nhưng lợi ích của việc đọc sách thật quý báu. Vì thế, từ gia đình đến trường học cần phải có sự chú ý quan tâm hướng dẫn trẻ đọc thì mới đạt được kết quả như mong muốn.
Lê Phương Trí