Chủ nhật, 4/6/2017, 11h15

Dạy và chăm sóc trẻ thông qua vườn rau

Trồng rau sạch góp phần tăng cảnh quan xanh mát môi trường, đồng thời cung cấp nguồn thực phẩm sạch cũng như mang đến không gian học tập, rèn các kỹ năng sống cho trẻ. Xác định được những giá trị thiết thực này, Trường Mầm non Sơn Ca 6 - quận 12 đã chú trọng thực hiện mô hình “Vườn rau của bé” tại trường.

Vừa giáo dục, vừa cung cấp thực phẩm sạch

“Vườn rau của bé” của Trường Mầm non Sơn Ca 6 tập trung vào mô hình tháp rác và mô hình trồng rau nuôi cá Aquaponics. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, mỗi ngày trẻ được tổ chức tham gia hoạt động chăm sóc, thực hiện bảng quy trình phát triển của rau, thu hoạch rau mang vào bếp. Những luống rau xanh mướt được các cô phân chia theo từng dãy đất, đặt tên để các bé có thể phân biệt được từng loại rau khác nhau.

Thời gian đầu tham gia chăm sóc vườn rau, hầu hết các bé không tránh được bỡ ngỡ, tò mò vì trực tiếp làm đất, gieo hạt, chăm sóc cây... Tuy nhiên, chứng kiến những luống rau xanh tươi do tự tay mình chăm sóc cho đến thời điểm thu hoạch rau sạch, các bé đều tỏ ra phấn khích.

Theo cô Nguyễn Thị Thuận, Hiệu trưởng nhà trường, chăm sóc vườn rau, trẻ có được cơ hội tìm hiểu đặc điểm của các loại rau như loại nào cần phải ươm sau đó chiết ra để trồng, loại nào gieo trực tiếp xuống đất hay loại nào cần phải cho leo giàn... “Với hoạt động này, chúng tôi vừa giáo dục trẻ biết chăm sóc vườn rau vừa theo dõi sự phát triển của cây, giúp các cháu nhận biết một số đặc điểm từng loại rau và tác dụng của rau xanh với đời sống con người. Mặt khác, thông qua chăm sóc rau, trẻ còn cảm nhận được giá trị của sức lao động và quý trọng giá trị sức lao động. Từ đó hình thành cho trẻ có thói quen lao động ngay từ khi còn nhỏ, đồng thời nâng cao nhận thức về thế giới xung quanh”, cô Thuận cho biết.

Các bé chăm sóc vườn rau

Ngoài công tác giáo dục, “Vườn rau của bé” của Trường Mầm non Sơn Ca 6 còn là nơi cung cấp thực phẩm sạch hàng ngày cho các bé. Các bữa ăn trưa đã được cải thiện bằng rau xanh do chính các bé chăm sóc giúp các bé ăn nhanh, ngon miệng. Đây cũng là cơ sở để giáo viên tranh thủ giáo dục trẻ tích cực ăn rau, vốn là món ăn ít trẻ mầm non thích thú.

Làm không khó nếu có kế hoạch cụ thể

Tính đến thời điểm hiện tại, “Vườn rau của bé” đã hoạt động được gần 7 năm và ngày càng phát triển. Trong quá trình thực hiện, nhà trường gặp một khó khăn do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc. Tuy nhiên, do đặc thù của phường Tân Thới Hiệp trước đây là vùng nông nghiệp, người dân có rất nhiều kinh nghiệm trong việc trồng rau, theo đó nhà trường đã tranh thủ sự ủng hộ của các mạnh thường quân, phụ huynh hỗ trợ về thiết bị, kỹ thuật chăm sóc. Đặc biệt nhà trường có 1 phụ huynh là kỹ sư nông nghiệp, chuyên cung cấp dịch vụ trồng rau tại gia giúp công việc xây dựng được thuận tiện hơn.

Các bé thu hoạch rau mang vào bếp

Ngoài ra, để tiến hành thực hiện việc trồng rau trong trường đạt hiệu quả, Ban Giám hiệu nhà trường đã nhanh chóng lên kế hoạch dự kiến kinh phí cải tạo đất, thiết kế khu vực vườn ươm, vườn rau, phân luống, mua đất sạch, phân bón hữu cơ, hạt giống, dụng cụ chăm sóc vườn rau... đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của trường.

Mô hình trồng rau tháp rác

Bằng cả tấm lòng yêu nghề mến trẻ, tập thể cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Sơn Ca 6 đã cùng với trẻ thay phiên nhau chăm sóc, vun xới cho những luống rau xanh tốt, mùa nào rau ấy. Như vậy, việc trồng rau không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, đáp ứng nguồn thực phẩm an toàn cho nhà bếp mà còn tạo nên môi trường xanh, sạch, gần gũi và thân thiện với trẻ. Đồng thời, tạo nên nền nếp sinh hoạt tích cực trong các nhà trường, nhằm góp phần giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm, góp phần nâng cao sự hiểu biết cuộc sống cho trẻ.

Nguyễn Thị Thuận