Thứ bảy, 18/8/2018, 21h36

ĐBSCL: Biến thách thức thành cơ hội để phát triển nông nghiệp

Ngày 18-8, Trường ĐH Cần Thơ phối hợp Tổ chức Jica, Nhật Bản, tổ chức Hội nghị Khoa học Quốc tế “Phát triển nông nghiệp bền vững trong tác động của biến đổi khí hậu: Thách thức và cơ hội”.

Tại hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngành trồng trọt của ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng đây là khu vực rất dễ bị tổn thương và là một trong số lưu vực đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” bởi nước biển dâng, khiến sản xuất nông nghiệp nơi đây ảnh hưởng nặng và kém bền vững.

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, ĐH Cần Thơ - thì, những khó khăn trên đã tạo ra cơ hội để khu vực có thể ra khỏi những tập quán canh tác phản khoa học, hủy hoại môi trường sống. Với vị trí đặc biệt của ĐBSCL, nhiều tổ chức quốc tế đã chọn khu vực làm đối tượng nghiên cứu sâu trong tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Nhà nước về ĐBSCL đã có cái nhìn mới, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp chủ yếu là lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng; sản xuất tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên. 

Bên cạnh đó, TS. Phạm Văn Tấn - Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch - kiến nghị: “Nhà nước có chính sách hỗ trợ để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh cho một số loại rau quả chủ lực, có thị trường xuất khẩu. Ứng dụng phương pháp sản xuất tiên tiến, thực hành sản xuất theo GAPs để đảm bảo chất lượng của lúa gạo và rau quả tại thời điểm thu hoạch. Chế biến đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông sản...”.

Đan Phưng