Chủ nhật, 19/3/2017, 01h24

ĐBSCL: Nông dân “nghiện” đốt rơm rạ

Nông dân ĐBSCL đốt rơm gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường sống

Ngày 18-3, tại Cần Thơ đã diễn ra hội thảo “Ứng dụng công nghệ giảm phát thải trong phát triển kinh tế và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị”.

Theo báo cáo, tại ĐBSCL, người dân sử dụng trung bình 5,3 lần thuốc trừ sâu trên mỗi vụ lúa, cao nhất so với các nước trong vùng châu Á. Việc phun xịt thuốc thiếu khoa học, không kiểm soát, làm nguồn nước bị nguy hại, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống và sức khỏe con người. Việc đốt đồng, thải rơm rạ, trấu, chai lọ đựng thuốc trừ sâu bừa bãi xuống sông, rạch, kênh, mương làm tăng thêm ô nhiễm môi trường. Chỉ riêng việc đốt rơm rạ đã gây ra rất nhiều hệ lụy cho môi trường sống từ nông thôn đến thành thị. Ông Nguyễn Quang, Giám đốc UN-Habitat VN, phân tích: “Trong khói đốt rơm rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng, muội than, khí CO2, CO, SO2, NO2. Khói này gây kích thích phản ứng ở họng khiến người hít phải dễ bị ho, buồn nôn, ngạt thở. Khói thường không cháy thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO2 - đây là loại khí rất độc. Người hít nhiều và kéo dài khói này có thể bị biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản, viêm phổi, ung thư phổi. Khí độc từ khói còn khiến người hít nhiều dễ mắc các bệnh dẫn đến suy tim, suy nhược cơ thể và tử vong”.

Tại hội thảo, nhiều giải pháp công nghệ được chia sẻ nhằm góp phần giúp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, như: Tấm chắn ngập - có tác dụng ngăn chặn dòng nước tràn vào khi khu vực bị ngập úng; Hệ thống lọc nước sạch từ nước biển và các công nghệ xử lý nước thải; Hệ thống cảnh báo sớm với các thiết bị quan trắc kết hợp nối mạng internet - sẽ thông báo cho người sử dụng các bất thường về thời tiết, khí hậu trong khu vực, giúp người dân ứng phó kịp thời với thiên tai; Bể ngầm thu nước mưa - giúp người dân có nước sạch sử dụng và góp phần giảm nhẹ thiên tai với việc ngăn chặn dòng chảy từ nước mưa; giải pháp biến rác thải thành năng lượng, xử lý chất thải rắn thân thiện với môi trường, giảm ảnh hưởng khí nhà kính với công nghệ nhiệt phân bằng hơi quá nhiệt. Sau khi xử lý, rác thải sẽ tạo “vòng tròn hữu ích” sản xuất năng lượng tái tạo gồm điện và than sinh học. Khi sử dụng, than sinh học giúp cải tạo đất, lưu trữ carbon trong đất nên giảm nhu cầu sử dụng phân bón hóa học truyền thống, nâng cao rất nhiều sản lượng cây trồng...

Các đại biểu đánh giá cao những giải pháp này, tuy nhiên nhiều người băn khoăn về nguồn lực để ứng dụng. Theo đó giải pháp viện trợ không hoàn lại, vay vốn với lãi suất thấp, đầu tư theo hình thức BOT... là các giải pháp được nhiều đại biểu đưa ra.

Đan Phượng