Thứ bảy, 2/1/2016, 21h50

Để cử nhân ra trường không thất nghiệp

Vừa qua, trong báo cáo của mình, Bộ LĐ-TB&XH cho biết cả nước có 225.500 người có trình độ ĐH trở lên đang thất nghiệp. Số lượng cử nhân, thạc sĩ không có việc làm gia tăng đáng kể so với con số 199.000 người của quý trước. Bên cạnh đó còn có 117.300 người có trình độ CĐ cũng đang thất nghiệp, tăng rất nhiều và nhanh so với vài tháng trước đây. Giải pháp nào để ngăn chặn cho tình trạng này? Giáo dục TP.HCM đã nhận được sự chia sẻ của ông Nguyễn Văn Áng - Phó  Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT và ông Đỗ Huy Hiệu - Giám đốc Công ty TNHH Bransons.

Sinh viên tốt nghiệp tìm việc tại một ngày hội việc làm tổ chức ở TP.HCM trong năm 2015

Giảm quy mô đào tạo để nâng cao chất lượng

Tại Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT (sau đây gọi tắt là TT32) quy định quy mô SV ĐH chính quy tối đa dựa trên những cơ sở chủ yếu sau:

Thực tế trong những năm qua, quy mô tuyển sinh hàng năm và quy mô đào tạo trình độ ĐH, CĐ của nước ta đã tăng trưởng với tốc độ khá cao. Sự tăng trưởng về quy mô đã tạo ra những thách thức đối với các điều kiện đảm bảo chất lượng. 

Trong đó, những điều kiện cơ bản như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, năng lực quản trị của mỗi cơ sở GDĐH khó có thể theo kịp yêu cầu. Với cơ sở vật chất thì các cơ sở có thể đáp ứng nhanh, nhưng với đội ngũ giảng viên và năng lực quản trị thì cần có thời gian. Bộ GD-ĐT, với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về GD-ĐT đã nhận thức sâu sắc về những nguy cơ của tình trạng này. Do vậy, trong những năm qua, bộ đã có những chỉ đạo để từng bước định hướng cho toàn hệ thống GDĐH ổn định quy mô, tập trung các nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo. Ngay từ năm 2011, khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 57/2011/TT-BGDĐT (gọi tắt là TT57) đã định hướng cho toàn hệ thống GDĐH dịch chuyển theo hướng này. 

Lần này, việc ban hành TT32 là sự nối tiếp quan điểm đó nhưng với yêu cầu cao hơn. Toàn hệ thống GDĐH chỉ có thể chuyển dịch theo hướng đó khi từng cơ sở GDĐH phải quán triệt và thực hiện chủ trương đó. Vì vậy, trong TT32 đã đưa thêm tiêu chí khống chế quy mô tối đa bên cạnh 2 tiêu chí như đã có trong TT57. 

Quy định giới hạn quy mô tối đa để đảm bảo cân đối giữa sự gia tăng số lượng với các điều kiện đảm bảo chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của mỗi cơ sở GDĐH cũng như của toàn hệ thống.

Về cơ sở pháp lý. Các tiêu chí giới hạn quy mô tối đa đã được lấy từ Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020. 

Trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định nói trên, những tiêu chí đó đã được thảo luận và nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành. 

Ngoài ra, trước khi Bộ trưởng ký ban hành TT32, Bộ GD-ĐT đã được báo cáo trực tiếp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về dự thảo thông tư. 

Bộ GD-ĐT đã nhận được sự đồng thuận cao về chủ trương chuyển hướng hệ thống GDĐH từ tăng số lượng sang nâng cao chất lượng đào tạo. Các tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong dự thảo cũng đã nhận được sự ủng hộ của ủy ban. 

(Ông Nguyễn Văn Áng -
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch
Tài chính, Bộ GD-ĐT)

4 năm SV là thời gian “vàng”

Cách đây 7 năm, tôi đi phỏng vấn xin việc và bị đuổi từ vòng gửi xe, vì không biết công việc đó là gì. Do đó, các bạn trẻ phải tìm hiểu kỹ về công việc muốn làm, công ty muốn gắn bó. “Chìa khóa” thành công là tập trung, mục tiêu (biết mình muốn gì), học hỏi, chuyên nghiệp, đam mê, hành động. 

4 năm SV là thời gian vàng, nên các bạn trẻ ngủ ít, dành nhiều thời gian để học. 7 năm trước, tôi ngủ 3 tiếng một ngày. Các bạn nên ngủ ít hơn để nghĩ đến tương lai của mình. Việc học mọi lúc mọi nơi sẽ giúp người trẻ được nhiều thứ trong tương lai. Nếu có hai người, một có bằng xuất sắc nhưng chưa có kinh nghiệm, một giàu kinh nghiệm nhưng bằng không giỏi đến xin việc, tôi sẽ chọn người cầu tiến. Tôi không muốn tuyển những người mà phải giám sát, không biết tự tìm việc khi không được chỉ dẫn... Bạn nào mang cái tôi quá cao, không có mục tiêu học hỏi thì dù có bằng tốt nghiệp loại giỏi, tôi cũng không nhận. Do đó, nếu muốn ra trường có việc làm tốt thì ngay từ thời điểm này hãy xách ba lô lên và đi tìm việc. Hãy làm bất cứ công việc gì ở nơi bạn muốn gắn bó sau khi ra trường. Có thể đó chỉ là lao công hay không lương. Tôi từng làm lao công ở công ty sau này tôi làm việc. Các bạn hãy xác định không phải kiếm được gì mà học được gì từ công việc đó. Mặt khác, các bạn trẻ hãy học ĐH cho giỏi. Doanh nghiệp nào cũng cần người giỏi. Đừng nghĩ bằng ĐH không có ý nghĩa. Hãy bỏ tư duy bỏ học để đi làm, chỉ nên làm thêm thôi.

(Ông Đỗ Huy Hiệu -
Giám đốc Công ty
TNHH Bransons)

Thiên Lam