Thứ sáu, 26/4/2013, 14h04

Để em yêu sử Việt

Một tiết mục sắm vai các Vua Hùng của HS Trường TH Đinh Tiên Hoàng (Q.1)

Vận dụng phương tiện nghe nhìn (PTNN) để truyền tải nội dung thông tin về các sự kiện, cột mốc, nhân vật… từ SGK, các tiết học lịch sử (LS) một cách sinh động sẽ giúp các em yêu sử Việt hơn.
Theo đó học sinh (HS) cảm nhận LS như những câu chuyện một cách sâu sắc thay vì học thuộc lý thuyết để rồi lãng quên.
Vận dụng sáng tạo cho bài giảng
PTNN sử dụng trong quá trình dạy học khá phong phú, đa dạng. Từ đèn chiếu, radio, phim ảnh, băng ghi hình, băng ghi âm, đĩa CD, máy tính… đến các phương tiện trực quan khác như mô hình, vật mẫu, tranh ảnh, sơ, lược đồ và cả tham quan, du lịch.
Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) tọa lạc ở trung tâm thành phố nên có nhiều điều kiện thuận lợi như gần Thảo Cầm Viên, các bảo tàng...Vì thế khi dạy LS, trường tận dụng lợi thế này cho HS đi tham quan để tường tận hơn những kiến thức từ SGK. Đơn cử như môn LS khối 4, HS học bài Nước Văn Lang - Âu Lạc thì được tham quan Bảo tàng Lịch sử Việt Nam; môn LS khối 5, khi học bài Quyết chí ra đi tìm đường cứu nước thì các em được tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh… Cô Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Các hiện vật đã rút ngắn khoảng cách quá khứ, hiện tại; biến kiến thức sách vở vốn trừu tượng thành những kiến thức gần gũi trước mắt. Qua các hiện vật sống động, kèm theo những lời giải thích từ hướng dẫn viên, các em HS vừa quan sát, tưởng tượng, ngẫm nghĩ, nghe đến đâu thì nhớ đến đó thay vì phải ghi chép, học thuộc lòng. Cách làm này giúp HS hứng thú, vui tươi, dễ tiếp thu và yêu thích LS hơn”.
Còn tại Trường TH Phan Đình Phùng (Q.3), thầy và trò cũng có được những tiết LS sống động không kém. Ở môn LS khối 5, khi dạy đến bài Cách mạng mùa thu, nếu chỉ giảng bằng lời, hình ảnh trong SGK thì GV có thể bị động, khó mà chuyển tải hết đến HS sự thống khổ của nhân dân ta dưới hai tầng áp bức bóc lột của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Vì thế GV đã trình chiếu hình ảnh tư liệu nạn đói năm Ất Dậu khi quân Nhật xâm lược để HS thấy được hình ảnh thật nhất. Hay khi dạy bài Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, GV đã trình chiếu phim về 3 đợt tấn công của quân ta. Các em được theo dõi các chiến sĩ chiến đấu dũng cảm trong mưa bom, bão đạn và giành thắng lợi vẻ vang cũng như sự thất bại ê chề của quân giặc ra sao. Ngoài những cách thức trên, GV còn sử dụng sơ đồ, lược đồ, sa bàn… để tái hiện các sự kiện, diễn biến. Đặc biệt, HS còn được đọc truyện LS, sắm vai nhân vật, diễn sử ca; tái hiện đặc điểm, tính cách các vị vua, các anh hùng của từng thời kỳ. Qua đó, hình ảnh nhân vật, bối cảnh lịch sử khắc sâu hơn trong tâm trí mỗi em. Hoặc khi học về LS địa phương thì các em được giới thiệu tổng quan văn hóa xưa kia và hiện nay qua các thước phim, hoặc đến tận nơi tham quan, tìm hiểu. Tất cả để lại ấn tượng sâu sắc trong các em.
Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “LS là nội dung giáo dục hết sức quan trọng. Qua các bài giảng, các em có cái nhìn toàn diện, có sự so sánh để cảm nhận sâu sắc, củng cố thêm tình cảm và niềm tin. Từ đó rút ra bài học nhân văn, yêu nước, lòng tự hào dân tộc, chủ động tìm tòi, khám phá, phát hiện và yêu sử nhà hơn”.
Khắc phục hạn chế 
Có thể nói, ứng dụng PTNN mang lại hiệu quả cho tiết dạy - học không nhỏ. Bà Phạm Thị Thùy Trang (Phòng GD-ĐT Q.2) cho biết: “Sử dụng PTNN tiết kiệm được thời gian. Trong một khoảng thời gian ngắn có thể truyền thụ cho HS nhiều thông tin, chính xác, khá đầy đủ về các nhân vật, sự kiện, tăng cường tính trực quan của quá trình dạy học, làm cho HS tiếp nhận kiến thức dễ dàng, sâu sắc, ghi nhớ lâu hơn. Ngoài ra, PTNN kết hợp với những phương pháp dạy học hiện đại đã hình thành ở HS tính tích cực, sáng tạo…”.
Tuy nhiên hiện nay, việc dạy - học LS trong nhà trường vẫn còn một số hạn chế, chưa phát huy tích cực PTNN khiến tiết dạy kém hiệu quả. Ông Lê Văn Công (Phòng GD-ĐT Q.5) cho biết: “Trong quá trình giảng dạy, đôi lúc thầy cô chưa toàn tâm, toàn ý cho nội dung cần phải chuyển tải; nội dung còn bó gọn trong SGK; mối liên kết, khái quát một giai đoạn không rõ ràng, gây khó hiểu và không ham thích”. Trong khi đó, cô Võ Thị Kiều Trang (Trường TH Hiệp Phú, Q.9) cho rằng: “Các tiết dạy LS còn khô khan, chủ yếu thầy đọc, trò chép; HS đọc sách rồi trả lời một vài câu hỏi, sau đó GV đưa ra nội dung cần ghi nhớ về nhà học thuộc; GV ít đầu tư thời gian tìm kiếm tranh ảnh, tư liệu; thời lượng bị cắt xén nhiều do các môn học khác bị kéo dài…”.
Bộ môn LS thường nặng về thông tin, con số, sự kiện… trong khi đó ở lứa tuổi tiểu học, khả năng tiếp nhận khối lượng thông tin lớn của các em còn hạn chế. Vì thế, GV đóng vai trò quan trọng trong việc ứng dụng PTNN để có những tiết dạy - học hiệu quả. Cô Võ Thị Kiều Trang chia sẻ: “Đối với GV, cần chủ động sắp xếp thời gian tìm kiếm tư liệu (hình ảnh, đoạn phim, lược đồ), vận dụng thiết kế bài giảng; nội dung bám sát chuẩn kỹ năng; sử dụng tư liệu chính xác, phù hợp nội dung yêu cầu bài học; tổ chức hoạt động nhẹ nhàng, kích thích sự hứng thú học tập cho HS; hướng dẫn HS tìm hiểu, sưu tầm thêm tư liệu trên các trang web… Bên cạnh đó tổ chuyên môn cần xây dựng kế hoạch tổ chức chuyên đề, cùng trao đổi, học tập, rút kinh nghiệm. Và nhà trường cần tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, thời gian… để GV thuận lợi hơn khi sưu tầm”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh