Thứ bảy, 26/11/2016, 20h15

Để facebook thành phương tiện học tập hữu ích

Trong các buổi sinh hoạt nội quy đầu năm, hầu hết lãnh đạo các trường phổ thông thường nhắc nhở, răn đe và cảnh giác học sinh trong việc sử dụng các trang mạng xã hội, nhất là facebook. Đó là điều cần thiết, và nên đưa vào nội quy học sinh, kể cả việc sử dụng điện thoại trong nhà trường. Tuy nhiên, như nhìn nhận chung của xã hội, facebook là “con dao hai lưỡi”, và một khi không thể ngăn cấm được học sinh sử dụng thì phải biết tìm cách phát huy mặt tích cực của nó. Việc làm này không mới, từ 2 năm trước đã được lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) mạnh dạn đưa vào áp dụng. Song có thể nói, hầu hết nhà trường hiện nay chỉ thấy mặt tiêu cực, chứ chưa tận dụng được mặt tốt của nó. Nhiều trường ý thức được điều này, nhưng cách làm thế nào thì chưa rõ ràng, cụ thể, vì thế chưa phát huy được tác dụng.

Theo khảo sát của chúng tôi, tỷ lệ học sinh trung học sử dụng mạng facebook hiện nay là rất lớn, khoảng trên 80%. Có nhiều lớp học 100% học sinh sử dụng. Trao đổi với nhiều phụ huynh trong các cuộc họp, chúng tôi thấy đa phần họ đều muốn nhà trường có phương tiện để dễ dàng theo dõi thông tin học hành của con em họ mọi lúc mọi nơi. Hiện tại hầu hết các trường đều có trang mạng thông tin riêng, kể cả trang Kết nối học đường của Bộ GD-ĐT, song sức hấp dẫn và sự tiện lợi về thông tin không bằng facebook. Vả lại việc trang bị một chiếc điện thoại đối với phụ huynh (kể cả cho con em họ) không khó khăn gì, miễn sao nhà trường, thầy cô có sự chủ động cách làm tốt. Một phụ huynh còn bật mí “bí quyết” quản lý con của mình bằng cách bí mật kết bạn với con trên facebook, từ đó có điều kiện nắm bắt và chia sẻ với con.

Để facebook trở thành cầu nối thông tin giữa nhà trường, học sinh và phụ huynh, thì trước hết, nhà trường phải làm một khảo sát, thống kê việc sử dụng facebook của học sinh để quản lý, như việc yêu cầu các em cung cấp số điện thoại cá nhân mà nhiều trường vẫn làm hiện nay. Ngoài trang thông tin chung của trường, nhà trường phải chủ động tạo một địa chỉ facebook riêng và cung cấp cho toàn thể phụ huynh. Mỗi giáo viên cũng phải có địa chỉ riêng của lớp mình chủ nhiệm, yêu cầu tất cả học sinh kết nhóm trên địa chỉ ấy. Sau đó giáo viên mời phụ huynh gia nhập vào địa chỉ này khi họp phụ huynh đầu năm. Khi ấy mọi thông tin về học hành, sinh hoạt trường lớp, tâm tư nguyện vọng, những buồn vui cá nhân... của học sinh đều được giáo viên và phụ huynh dễ dàng nắm bắt kịp thời, hiệu quả.

Tùy theo đặc trưng riêng của từng địa phương, từng trường mà có cách áp dụng hiệu quả khác nhau. Tất cả đều vì một mục đích chung trước mắt là phục vụ tích cực cho việc học và giải trí lành mạnh, làm sao để học sinh chỉ sử dụng mặt tích cực mà hạn chế bớt thời gian bị ảnh hưởng xấu từ mạng facebook.

Tuấn Ngọc