Thứ ba, 20/9/2016, 21h48

Để giáo viên được chủ động hơn!

Trong những nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2016-2017 mà Bộ GD-ĐT ban hành, có một nhiệm vụ mà giáo viên giảng dạy ở trường phổ thông quan tâm và rất tán đồng. Đó là việc bộ “sẽ tăng cường giao quyền chủ động cho giáo viên trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng học tập của học sinh”.

Giáo viên cần có điều kiện tốt nhất trong việc xây dựng chương trình giảng dạy chứ không phải luôn đối phó với việc kiểm tra giáo án của lãnh đạo trường (ảnh minh họa). Ảnh: A.Khôi

Quan điểm này đã được Bộ GD-ĐT gợi ý thực hiện cách đây nhiều năm. Và thực tế thì chủ trương này đã được nhiều trường quán triệt thực hiện theo kế hoạch của từng tổ bộ môn trong nhà trường. Nhưng nếu năm học này, Bộ GD-ĐT có yêu cầu, hướng dẫn cụ thể một lần nữa, thì đây là một sự “cởi trói” hoàn toàn cho giáo viên, giúp họ chủ động trong việc giảng dạy...

Sẽ “thoáng” hơn cho giáo viên trong kế hoạch giảng dạy

Sở dĩ chúng tôi đánh giá chủ trương này là sự “giải phóng ràng buộc” bởi vì bấy lâu nay, khi xây dựng kế hoạch chương trình giảng dạy (hay gọi là kế hoạch liên chương) từ đầu năm học, các tổ bộ môn chủ yếu bị phụ thuộc vào số tiết thực dạy trên lớp. Giáo viên theo đó mà thực hiện. Mà thực tế thì chương trình còn dàn trải, quá tải, nhiều phần mất cân xứng ở phân phối thời gian số tiết. Trong khi đó, hoạt động giáo dục theo xu hướng đổi mới hiện nay rất đa dạng về phương pháp và hình thức. Như phương pháp giáo dục tích hợp, liên môn; hoạt động dạy học theo dự án, chuyên đề; kết hợp dạy học trong nhà trường và hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm... Vì vậy giáo viên luôn luôn bị “quá sức” vì kế hoạch, bị “đuối” về khả năng thực hiện nhiệm vụ giáo dục do quỹ thời gian có hạn.

Được chủ động xây dựng giáo án và đánh giá 

Trước đây, dư luận từng phàn nàn rằng có nhiều giáo viên 20 năm không thay giáo án. Đây là biểu hiện có thật. Hiện tượng này làm tôi nhớ đến câu chuyện vui mà rất có ý nghĩa giáo dục sau đây. Chuyện về một sinh viên cũ sau 20 năm trở về thăm thầy - giáo sư dạy sử của một trường đại học. Khi thấy trên mặt bài của thầy có những câu hỏi cho sinh viên, mà những câu hỏi đó giống y chang những câu hỏi mà thầy đã hỏi thế hệ của mình, cậu học trò cũ lấy làm thắc mắc sao đã 20 năm rồi mà thầy vẫn không thay đổi câu hỏi. Vị giáo sư đã vui vẻ trả lời: “Đúng thế, câu hỏi thì như 20 năm trước, nhưng đáp án thì đã khác hoàn toàn rồi anh ạ!”.

Để giáo viên có được sự chủ động hơn trong việc xây dựng và thực hiện nhiệm vụ năm học, thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần sớm xây dựng kế hoạch từ cuối năm trước, để công bố cuối mỗi năm, hoặc chậm nhất là ngay đầu mỗi năm học.

Trong bối cảnh đã có nhiều thay đổi về phương pháp dạy học (như đã nói ở trên), thì giáo án dạy học không thể không thay đổi. Cho nên chỉ sử dụng một giáo án cho quá nhiều năm là thiếu tính cập nhật và sáng tạo. Tuy nhiên, thực tế ở trường phổ thông vẫn chưa thông thoáng hơn cho giáo viên. Đó là việc vẫn quá chú trọng vào kế hoạch liên chương bài giảng, việc kiểm tra định kỳ giáo án vẫn còn theo hướng “đóng”, bài bản. Vì thế giáo án được xem như là “công cụ” của giáo viên vừa để dạy, vừa để kiểm tra, mà ít có sự thay đổi.

Vì vậy, với nhiệm vụ này, hy vọng dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo các trường phổ thông, các tổ bộ môn và giáo viên sẽ có được điều kiện tốt nhất trong việc chủ động xây dựng kế hoạch chương trình giáo dục và đánh giá một cách linh hoạt, đa dạng về phương pháp; phù hợp với thực tế; có ý nghĩa giáo dục và đạt hiệu quả.

Còn nhiều hoang mang của giáo viên

Mặc dù có nhiều thông thoáng về quy chế, song giáo viên hiện nay vẫn còn rất hoang mang. Hoang mang nhất của giáo viên hiện nay là cứ mỗi năm học lại có mỗi sự thay đổi. Và họ phải rơi vào tâm lý phải luôn bị hồi hộp chờ đợi kế hoạch sắp tới là gì? như thế nào?...

Vì vậy, thiết nghĩ, để giáo viên có được sự chủ động hơn trong việc xây dựng và thực hiện nhiệm vụ năm học, thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần sớm xây dựng kế hoạch từ cuối năm trước, để công bố cuối mỗi năm, hoặc chậm nhất là ngay đầu mỗi năm học. Chứ không nên cứ để nhà trường và giáo viên phải có tâm lí “hồi hộp” chờ sự thay đổi trong suốt cả học kỳ 1, cả năm học...

Trần Ngọc Tuấn