Thứ hai, 7/10/2013, 08h10

Để học tốt toán tỉ số phần trăm

Giờ giải bài tập toán của học sinh tiểu học. Ảnh: N.Trinh
Trong chương trình môn toán lớp 5, ở học kì I, phần toán về tỉ số phần trăm là nội dung khó đối với học sinh. Giáo viên cũng tốn khá nhiều công sức cho nội dung này nhưng hiếm khi đạt yêu cầu cao.
Qua kinh nghiệm giảng dạy, tôi nhận thấy khi dạy phần toán về tỉ số phần trăm, giáo viên cần lưu ý một số điểm.
1. Ngay từ bài dạy đầu tiên về tỉ số phần trăm, thầy cô cần cho học sinh thấy nội dung này rất gắn với thực tế cuộc sống để kích thích sự tò mò, muốn hiểu biết của các em. Theo đó, thầy cô có thể cho các em đọc một số mẩu tin trên báo chí có liên quan đến tỉ số phần trăm, chẳng hạn như: “Đợt sâu rầy vừa qua đã làm thiệt hại khoảng 20% diện tích trồng lúa của tỉnh N.”; “Thuế nhập khẩu đường tăng tối đa thêm 25%”; hay thực tế hơn “Theo thống kê kiểm tra giữa học kì I vừa qua ở trường ta, số học sinh đạt điểm giỏi môn tiếng Việt chiếm tỉ lệ 25%”… Chắc chắn sẽ có rất nhiều học sinh, thậm chí có khi cả lớp không biết đọc kí hiệu %. Đây chính là lợi thế để giáo viên tạo hứng thú cho học sinh tìm hiểu điều mới lạ nhưng gắn với đời sống.
Cũng ở bài dạy đầu tiên này, giáo viên nên mạnh dạn thay các ví dụ trong sách giáo khoa bằng ví dụ đơn giản, gần gũi các em hơn để giới thiệu về tỉ số phần trăm, như: “Trong đợt kiểm tra định kì giữa học kì I vừa qua ở lớp ta, có 20 học sinh đạt điểm 10 môn toán. Tìm tỉ số của số học sinh đạt điểm 10 môn toán trên 40 học sinh của cả lớp”. Rồi từ đó giới thiệu tỉ số phần trăm. Thầy cô cũng cần đưa nhiều ví dụ cho bài học đầu tiên giới thiệu tỉ số phần trăm để học sinh nắm chắc hơn kiến thức mới mẻ này (sách giáo khoa chỉ có 2 ví dụ).
2. Với 3 bài học Giải toán về tỉ số phần trăm tiếp theo đã làm cho học sinh lúng túng, rối rắm vì do sự hiểu biết hạn hẹp, các em cho rằng có tới 4 cách giải bài toán về tỉ số phần trăm. Thực sự thì có 2 cách trình bày theo dạng toán gộp. Do đó với cách trình bày toán gộp, giáo viên chỉ nên hướng dẫn học sinh khi các em nắm vững các bước giải thông thường. Đối với học sinh có sức học trung bình, yếu, theo tôi cũng không cần giới thiệu cách làm gộp.
Các đề bài toán trong sách giáo khoa thường khó hiểu với học sinh bởi các nội dung lạ lẫm như: “Sản phẩm đạt chuẩn”, “lượng muối trong nước biển”, “vượt mức kế hoạch”… Chính vì thế giáo viên cần giảng giải để học sinh hiểu rõ nội dung đề bài thì các em mới có thể giải được. Với các bài có nội dung tiền vốn, tiền lãi, tiền bán, đa số thầy cô nghĩ rằng học sinh đã biết nhưng thực tế chỉ có các em gia đình kinh doanh, buôn bán mới biết, còn khá nhiều học sinh không biết “tiền lãi bằng tiền bán trừ tiền vốn”, “tiền bán bằng tiền vốn cộng tiền lãi”, “tiền vốn bằng tiền bán trừ tiền lãi”. Giáo viên cần giải thích rõ bằng các ví dụ cụ thể về tiền vốn, tiền bán, tiền lời trước khi làm các bài toán về tỉ số phần trăm thì học sinh mới có thể dễ dàng làm bài. Với bài toán có nội dung lãi suất ngân hàng cũng thế, học sinh rất mù mờ, có em còn nêu thắc mắc: “Tiền mình gửi trong ngân hàng làm sao ra tiền lời?”. Do đó, giáo viên đừng sợ mất thời gian, rất cần thiết giải thích thấu đáo cách kinh doanh của ngân hàng cho học sinh rõ. Các em có hiểu biết mới có thể giải tốt bài tập.
3. Hai dạng bài mà các em học sinh dễ nhầm lẫn nhất là “Tìm 30% của 72” và “Tìm một số biết 30% của nó là 72”. Vì vậy, thầy cô nên cho học sinh làm song song cùng lúc 2 dạng bài này để hướng dẫn các em phân biệt. Một điều quan trọng không kém là giáo viên cần yêu cầu học sinh tóm tắt bài toán về tỉ số phần trăm để các em có thể xác định chính xác số liệu nào tương đương với 100%.
Tỉ số phần trăm xuất hiện rất nhiều trong việc tìm hiểu, đánh giá các vấn đề, các ngành nghề trong xã hội. Chính vì thế, học sinh học tốt về toán tỉ số phần trăm không chỉ để đạt kết quả tốt khi làm bài mà nó còn giúp các em tăng vốn kiến thức về thực tế đời sống sau này.
Lê Phương Trí (GV Trường TH Đống Đa, Q.4, TP.HCM)
Giáo viên nên mạnh dạn thay các ví dụ trong sách giáo khoa bằng ví dụ đơn giản, gần gũi các em hơn để giới thiệu về tỉ số phần trăm.