Thứ tư, 10/3/2010, 14h03

Để không “học tài thi phận”: Ăn - uống thế nào cho đúng?

Ăn gì để học tốt?

Các sĩ tử không chỉ ăn uống hợp lý mà còn phải vệ sinh để bảo vệ sức khỏe. Ảnh: I.T

Chất béo thiết yếu (omega-3 và omega-6): Là nguyên liệu cấu tạo nên tế bào thần kinh. Những chất này rất dễ bị thiếu do cơ thể không tự tổng hợp được mà phải đưa từ thức ăn bên ngoài vào với tỉ lệ omega-3 và omega-6 ngang nhau. Tuy nhiên, omega-3 dễ bị thiếu hơn do chế độ ăn ít cá. Omega-3 có trong các loại cá béo như cá basa, cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá trích, cá mòi. Omega-6 có trong các loại hạt nhiều dầu như hạt bí đỏ, hạt hướng dương, mè và dầu thực vật. Thế nên, để hoạt động trí não được tốt thì các em nên ăn ít nhất là 3 lần cá trong tuần.
Phospholipid: Có nhiều trong lòng đỏ trứng và thịt nội tạng, giúp tạo myelin bao bọc dây thần kinh nên thúc đẩy sự truyền các tín hiệu một cách trơn tru trong não.
Acid amin: Một số acid amin làm thức tỉnh não, còn một số khác lại giúp não thư giãn, nghỉ ngơi. Hai loại acid amin quan trọng là tryptophan và tyrosine, là tiền chất tạo nên các chất dẫn truyền thần kinh (là chất mang tín hiệu từ tế bào thần kinh này sang tế bào thần kinh khác). Tryptophan là acid amin thiết yếu (nghĩa là cơ thể không thể tự tổng hợp được mà phải nhận từ thức ăn bên ngoài vào), tạo nên chất dẫn truyền thần kinh serotoningiúp não thư giãn. Tryptophan có nhiều trong sữa, yaourt, phô mai, thịt, cá, trứng, hạt hướng dương, hạt bí đỏ, mè, đậu phộng, tảo spirulina. Còn tyrosine thì không phải là acid amin thiết yếu vì cơ thể có thể tổng hợp được. Tyrosine tạo nên chất dẫn truyền thần kinh dopamine, epinerphrine, norepinerphrine giúp “thức tỉnh” não, làm chúng ta năng động hơn.
Vitamin và khoáng chất: Giúp các chất trên phát huy tác dụng. Đặc biệt là các vitamin nhóm B (có trong ngũ cốc thô và các loại rau), vitamin C (có trong rau và trái cây tươi), acid folic (có trong rau lá xanh đậm), ma-nhê (có trong rau xanh và các loại hạt), man-gan (có trong các loại hạt, trái cây, trà), và kẽm (có trong hàu, hải sản, thịt cá và các loại hạt). Chất chống oxy hóa (vitamin E, vitamin C, beta-caroten...) giúp bảo vệ não chống lại sự tấn công của các gốc tự do.
I-ốt và sắt: Là hai vi chất rất cần cho bộ não: Thiếu i-ốt thì học sinh sẽ thụ động, dẫn đến trì trệ, kém sáng tạo, giảm tiếp thu. Để nhận đủ i-ốt cho cơ thể thì các em nên sử dụng muối i-ốt hàng ngày trong ăn uống và chế biến thức ăn trong gia đình. Các em cũng cần ăn đầy đủ các thực phẩm giàu chất sắt, là chất cần thiết để tạo máu. Bởi vì nếu thiếu chất sắt thì các em dễ bị thiếu máu dẫn đến tình trạng hay mệt mỏi, học kém tập trung, và dễ buồn ngủ trong giờ học. Chất sắt có nhiều trong huyết, gan, thịt, cá, trứng hoặc rau xanh và các loại đậu. Chất sắt từ nguồn thức ăn động vật sẽ hấp thu tốt hơn từ nguồn thực vật. Trái cây tươi giàu vitamin C như cam, bưởi, táo, đu đủ sẽ giúp hấp thu tốt chất sắt. Không nên uống nước trà đặc ngay sau bữa ăn chính vì sẽ ức chế hấp thu chất sắt.
Hoạt động thể lực:  Tuy không phải là “thức ăn bổ não” nhưng lại hết sức cần thiết vì giúp máu lưu thông tốt mang oxy và dưỡng chất đến cho não nhiều hơn nên các em sẽ “sáng trí” hơn khi học tập. Vài động tác tập thể dục giữa buổi học hoặc đi bộ một vòng trường vào giờ giải lao cũng giúp máu lưu thông đến não.
Vệ sinh an toàn thực phẩm
Bên cạnh cách ăn uống hợp lý và dinh dưỡng cho trí não thì các em cần phải hết sức lưu ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong mùa thi bằng cách tránh ăn quà rong hoặc các hàng quán bên vệ đường kém vệ sinh để tránh bệnh về đường tiêu hoá. Không ăn thực phẩm sống, tránh uống nước đá bên ngoài do nguồn nước không đảm bảo. Luôn mang theo nước chín để uống. Nên uống thuốc xổ giun định kỳ mỗi 6 tháng.
(còn tiếp)
TS.BS. TRẦN THỊ MINH HẠNH