Thứ hai, 20/2/2012, 14h02

Để môn đạo đức gắn với thực tế hơn

Ông cha ta đã dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn” và Bác Hồ cũng đã nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Chính vì tầm quan trọng của đạo đức nên chương trình học ở tiểu học đã đưa môn đạo đức làm môn học xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 5.
Tuy nhiên, qua thực tế giảng dạy, môn đạo đức chưa hấp dẫn được học sinh. Các tiết học đạo đức dường như còn đơn điệu, khô khan đối với học sinh và bản thân giáo viên cũng không hứng thú khi giảng dạy môn này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên nhưng dễ nhận thấy nhất đó là bài giảng của giáo viên thường chỉ dựa vào nguồn thông tin từ bài học trong sách giáo khoa, do đó thiếu sự hấp dẫn, thiếu tính thực tiễn. Vì vậy, để tiết đạo đức thu hút học sinh hơn, bản thân giáo viên phải tự làm mới bài học bằng cách cập nhật thông tin liên tục từ thực tế để đưa vào tiết dạy. Mỗi năm học, bài dạy sẽ được làm mới bởi các nhân vật, sự việc vừa được đăng tải trên các phương tiện thông tin. Chẳng hạn dạy về tính thật thà, trung thực có thể đưa “chị Lành bán vé số” vào bài giảng năm nay, câu chuyện này các em đã được nghe trước đó nên sẽ hào hứng cùng giáo viên trao đổi. Bài giảng đạo đức của thầy cô cũng sẽ thành đề tài mà các em có thể trao đổi với ba mẹ, anh chị, người quen… khi về nhà. Từ đó bài học đạo đức sẽ được khắc sâu hơn. Năm học sau, giáo viên sẽ lại đưa một hình tượng mới mà báo chí, truyền hình… đang đề cập. Như vậy cả thầy và trò đều cảm thấy hứng thú trước bài dạy tưởng chừng quá cũ kĩ.  Với bài dạy “Có chí thì nên”, giáo viên cũng có thể dùng gương vượt khó học tập từ các thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi vào đại học hay những học sinh nhận học bổng “Tiếp sức đến trường”… Mỗi năm, mỗi gương mặt mới đồng hành cùng bài dạy. Với bài dạy “Em yêu Tổ quốc Việt Nam” hay “Em yêu quê hương”, tùy thời điểm để đưa vào bài giảng như bình chọn Vịnh Hạ Long là kì quan thiên nhiên thế giới, góp đá cho Trường Sa… rất gần gũi với thực tế, bài học đạo đức lại lan tỏa cùng cộng đồng.
Để tiết đạo đức luôn sinh động, mới mẻ, thu hút học sinh đòi hỏi người thầy phải hết sức năng động, cập nhật thông tin thường xuyên nhằm kịp thời đưa vào bài giảng những sự việc đang xảy ra, những con người là tấm gương đạo đức đang hiện hữu. Có như thế, môn đạo đức trong trường học mới thực sự có hiệu quả giáo dục.
Lê Phương Trí