Thứ bảy, 4/3/2017, 22h33

Để nói lên sự thật sao khó khăn đến vậy?

Vụ Trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội đến nay đã ngã ngũ. Hiệu trưởng và phó hiệu trưởng của trường này bị cách chức. Theo quyết định kỷ luật của cơ quan chủ quản, nguyên nhân là do lãnh đạo nhà trường có hành vi gian dối trong vụ tai nạn của một em học sinh trường này.

Tuy nhiên, dư luận vẫn tiếp tục đặt câu hỏi vì sao một vụ việc không quá nghiêm trọng mà ngành giáo dục Hà Nội phải mất đi một lúc hai cán bộ quản lý? Dư luận cho rằng đây là một tổn thất lớn. Vâng, chỉ một vụ tai nạn của học sinh mà hai lãnh đạo nhà trường bị kỷ luật cách chức thì chưa có tiền lệ!

Từ đây, những người quan tâm đến giáo dục đặt ra vấn đề làm sao để không xảy ra những chuyện tương tự trong tương lai? Để trả lời câu hỏi này cần quay lại câu chuyện trên. Đó là trong giờ chơi, một học sinh bị tai nạn gãy chân. Trong thời điểm đó có một taxi đi vào sân trường, trên xe chở hiệu trưởng và phó hiệu trưởng. Theo phản ánh của giáo viên, sau vụ việc kể trên phó hiệu trưởng cho phát phiếu khảo sát đến giáo viên và học sinh, mục đích nhằm lấy ý kiến để chứng minh mình không liên quan đến vụ tai nạn.

Quyết định kỷ luật của cơ quan chủ quản cho rằng hiệu trưởng đã tìm cách che giấu nguyên nhân vụ tai nạn, đã vi phạm các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo.

Dư luận cho rằng, vấn đề sẽ khác đi rất nhiều nếu hiệu trưởng không che giấu sự thật, biết nhận lỗi, nhận trách nhiệm. Thái độ gian dối, thiếu trung thực như là mồi lửa làm cháy lên sự bức xúc của dư luận. Sự việc gây bức xúc đến nỗi một phó thủ tướng phải lên tiếng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đích thân chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm.

Qua câu chuyện trên cho thấy, xã hội có yêu cầu rất cao đối với nhà giáo; trong đó đòi hỏi nhà giáo phải có lòng trung thực. Có thể hiểu nhà giáo thì hàm nghĩa với sự trung thực!

Câu chuyện đến đây lại đặt ra một vấn đề rất thiết thực cho những người làm công tác sư phạm: Để biết nhận lỗi, để dám nói lên sự thật sao lại khó khăn đến vậy?

Vâng, từ một hành động sai lầm đến việc nhìn nhận, thú nhận sai lầm là một quá trình diễn biến tâm lý hết sức phức tạp, khó khăn. Như trường hợp ở trên, nó không đơn giản như chúng ta nghĩ. Trong cuộc sống, ngoài làm việc tốt ai cũng có lúc này lúc kia phạm vào việc xấu. Đó là chuyện bình thường. Nhưng điều dễ nhận thấy là đối với những sai lầm - nhất là sai lầm làm ảnh hưởng đến người khác, đến cơ quan, tập thể, xã hội thì không phải ai cũng dám thú nhận. Rất nhiều vụ việc như vậy có thể dẫn ra. Biết là sai nhưng không nhận vì sợ trách nhiệm với hậu quả mình gây ra. Họ không đủ can đảm để nhìn vào sự thật. Nhiều người cho tới khi ra tòa vẫn còn quanh co che giấu sự thật là vậy.

Không trung thực là đồng nghĩa với giả dối, không can đảm là đồng nghĩa với hèn nhát. Hậu quả của cách sống này góp phần làm cho xã hội rối ren và ngày một xấu đi. Bởi vậy dư luận yêu cầu trong môi trường giáo dục không dung túng cho việc này.

Như trên đã phân tích, để sống trung thực, để có lòng can đảm không phải là điều dễ dàng. Các nhà giáo dục đã nhiều lần khuyến nghị rằng phải tập ngay từ nhỏ cho con em, học sinh hai đức tính căn bản là sự trung thực và lòng dũng cảm. Hai đức tính này có quan hệ nhân quả với nhau. Khi có sự trung thực mới đủ can đảm để thú nhận sai lầm và khi có lòng can đảm mới dám sống thật, bảo vệ sự thật. Hãy tập hai đức tính ấy cho trẻ em để trở thành một thói quen thì lúc đó mới không còn những chuyện tương tự như trên.

Từ Nguyên Thạch