Thứ ba, 17/1/2017, 20h10

Đề phòng tai nạn ngày Tết

Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, hàng năm ngoài các ca cấp cứu tập trung, tai nạn giao thông, tai nạn cháy nổ, tai nạn do đánh nhau, ngộ độc thực phẩm, bệnh cảm cúm, tăng huyết áp, viêm khớp luôn chiếm tỷ lệ cao trước và sau Tết Nguyên đán.

Một ca cấp cứu tai nạn giao thông tại Bệnh viện 175

Tai nạn giao thông luôn rình rập

Có thể nói, mặc dù đã được kiềm chế nhưng tai nạn giao thông thường xảy ra trong những ngày vui xuân. Khoảng 80% trong số hàng trăm vụ tai nạn giao thông những ngày đầu năm là do người điều khiển xe uống rượu bia. Hầu hết vào dịp Tết nhà nào cũng trữ vài két bia để thết đãi khách đến nhà chúc Tết. Đây là dịp có nhiều bữa tiệc tổng kết cuối năm, liên hoan tất niên, liên hoan họp mặt nên không thể thiếu bia rượu. Không chỉ được mời uống rượu nhiều người còn tìm cách ép khách nhậu cho say với quan niệm Tết nhất đã đến. Vào ngày xuân sau khi làm vài ly, khách và chủ còn rủ nhau đi chúc Tết và đây chính là cơ hội để tỷ lệ tai nạn giao thông gia tăng. Mặc dù Ban An toàn giao thông từng được khuyến cáo: “Đã uống bia rượu thì không lái xe” nhưng nhiều người vẫn bất chấp tất cả. Đặc biệt là thanh niên thường uống thả ga và lái xe cũng thả ga nên đã gây ra những tai nạn đau lòng, không tử vong thì cũng vào bệnh viện cấp cứu vì thương tích. Tại các bệnh viện hầu hết các bệnh nhân bị chấn thương sọ não đều bắt nguồn từ phóng nhanh vượt ẩu khi tham gia giao thông.

Tuy không có thói quen đốt pháo vào dịp Tết nhưng nhiều người vẫn phải vào bệnh viện vì tai nạn cháy nổ do pháo hoa hoặc pháo tự chế. Tết Bính Thân, riêng tỉnh Quảng Ngãi có 15 trường hợp nhập viện do sự cố pháo hoa bắn trong TP. Tuy không có tử vong nhưng các bệnh nhân đều bị bỏng hoặc ảnh hưởng đến mắt do pháo gây ra. Ở các tỉnh phía Bắc tình trạng nổ pháo vẫn còn lén lút nên tỷ lệ người bị tai nạn do các loại pháo cũng không bao giờ giảm. Đó cũng là sự cố bắn pháo hoa tại Công viên văn hóa Gò Vấp cách đây 3 năm đã làm một người phụ nữ trung niên phải đưa đi cấp cứu trong đêm 30 Tết.

Cũng do bia rượu mà trong mấy ngày Tết, tai nạn đánh nhau gây thương tích thường có mặt ở các bệnh viện. Theo báo cáo của ngành y tế, Tết Bính Thân trong cả nước có 2.000 trường hợp cấp cứu do đánh nhau đặc biệt có tới 10 ca tử vong vì nguyên nhân xích mích từ mâu thuẫn cá nhân. Chỉ vì tự ái cá nhân và không biết kiềm chế mà nhiều người đã nói chuyện với nhau bằng hung khí nên đã gây ra thảm cảnh cho người thân và gia đình. Bia rượu cũng gây ra nhiều vụ ngộ độc thương tâm cho các đệ tử lưu linh sau khi say xỉn quá mức. Nhiều người còn phải nhập viện vì những cơn bệnh về gan, dạ dày mà do “men cay” đưa đường dẫn lối.

Cái sảy nảy cái ung

Tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động vào dịp Tết cũng có cơ hội “phát huy”. Đó là những cú ngã từ trên cao xuống khi sơn sửa dọn dẹp nhà cửa nếu người lao động thiếu cẩn thận. Gần đây nhất sự cố sập giàn giáo ngày 12-1-2017 ở Đà Nẵng đã làm cho 6 người bị thương ngay trước Tết Nguyên đán. Vì thế cần có những dụng cụ bảo hộ chuyên dụng khi làm việc ở độ cao hay chỉ dọn nhà trong dịp Tết. Nhiều người còn phải đau đớn khi bị bỏng nước sôi, bỏng lửa trong quá trình nấu nướng nhất là ở gần nồi nấu nước sôi hay luộc bánh chưng. Cái sảy nảy cái ung, chỉ cần một sơ suất nhỏ là tai họa có thể ập đến mà con người khó có thể lường được trước. Đặc biệt là người lớn cần quan tâm đến trẻ nhỏ để tránh những trường hợp tai nạn về sinh hoạt luôn chầu chực ở xung quanh. Tai nạn đuối nước cũng đã từng xảy ra đối với trẻ nhỏ trong dịp đầu năm đi thuyền hay bơi lội mà người lớn cần phải căn dặn thường xuyên.

Dịp Tết là thời gian nghỉ ngơi nhiều người bỏ mất thói quen tập thể dục làm cho các bệnh tật như viêm khớp cao huyết áp tái phát. Do thời tiết thay đổi và con người di chuyển xa nhiều chỗ nên các căn bệnh lây nhiễm như cảm cúm, sốt xuất huyết, dịch cúm Zika cũng có thêm cơ hội bùng phát. Cũng do di chuyển nhiều mà các tai nạn về sinh non, dọa sẩy thai khó có thể biết trước vì thế các bà mẹ và thai phụ cần lưu ý bởi vì thực tế đã có những chuyện đáng tiếc đã xảy ra.

Bệnh tật không chỉ tốn kém về tiền bạc, mất thời gian mà còn đem lại nỗi khổ cho mọi gia đình dù ngày Tết mâm cao cỗ đầy nhưng cũng mất vui vì sức khỏe và tính mạng thường xuyên bị đe dọa và ảnh hưởng. Nếu mỗi người dân có ý thức chấp hành tốt kỷ luật lao động khi làm việc, Luật Giao thông khi tham gia giao thông, có cách ứng xử văn hóa, biết kiềm chế và có hiểu biết về kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng sống thì chắc chắn những ngày vui xuân sẽ trọn vẹn vì hạn chế được tối đa các tai nạn xảy ra.

Bài, ảnh: Hương Thủy