Thứ sáu, 23/6/2017, 15h02

Đề thi khoa học tự nhiên: Dài nhưng không khó

Ngay sau khi kết thúc bài thi khoa học tự nhiên (KHTN), nhiều giáo viên (GV) đang giảng dạy các môn sinh, hóa và vật lý tại TP.HCM nhận định đề có sự phân hóa rõ, dài nhưng không quá khó. Dự kiến năm nay sẽ có nhiều thí sinh (TS) đạt điểm cao hơn kỳ thi THPT Quốc gia trước.

TS tại điểm thi Trường THPT Lê Qúy Đôn trao đổi sau khi làm xong bài thi khoa học tự nhiên

Môn sinh học: Đề dài, TS dễ đánh… lụi

Đánh giá về môn thi thành phần sinh học, ông Nguyễn Lâm Quang Thoại, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt cho rằng, TS học lực trung bình có thể đạt 5 điểm, TS khá, giỏi có thể đạt 7-9 điểm nhưng điểm tối đa là rất khó. Ông Thoại phân tích: Đề môn sinh dài và có độ phân hóa khá cao. Những câu dễ lấy điểm giành cho TS học lực trung bình khoảng 12 đến 15 câu. Còn lại bắt đầu có độ phân hóa, đòi hỏi TS phải biết tính toán, vận dụng mới làm tốt. Cũng theo ông Thoại, so với kỳ thi THPT năm trước, số câu hỏi bài tập ở môn sinh nhiều hơn nên TS bị áp lực về thời gian.

Cùng nhận định, cô Trần Thị Bích Hường, GV môn sinh, Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết, đề dài nhưng không khó với TS có học khá, giỏi. TS dễ đạt điểm trung bình nếu nắm chắc kiến thức cơ bản. Tuy nhiên, đề khó hơn đề thi minh hoạ mà Bộ GD- ĐT công bố trước đây. Cũng vì đề khá dài nên cô Hường dự đoán ngay cả những TS học lực khá, giỏi cũng không đủ thời gian để làm hết các câu, dễ đánh… lụi.

Đề vật lý: Không khó để đạt 5-6 điểm

Đó là nhận định của cô Lê Thị Ngọc Dung, GV môn Vật lý Trường THPT Marie Curie. Cô Dung nói, ở mã đề 21 môn thi thành phần vật lý trong bài thi tổ hợp KHTN khá vừa sức với TS, chỉ cần bám sát SGK có thể đạt 5-6 điểm. Ngoài ra, cô Dung cũng cho rằng phần lý thuyết nhiều hơn bài tập nhưng điều này hợp lý vì đề sử dụng “2 trong 1” để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển ĐH.

Môn hóa: Đề vừa sức, phân loại TS

“Đề hay, phân loại được TS theo mức độ biết, hiểu, vận dụng và vận dụng ở cấp độ cao”, cô Trần Thị Phương Thảo, GV môn hóa, Trường THPT Gia Định đánh giá.

Theo đó, đề thi môn hóa gồm 24 câu lý thuyết (6/10 điểm) và 16 câu toán (4/10 điểm). Phần lý thuyết đòi hỏi TS phải ôn tập kỹ, có kiến thức tổng quát SGK lớp 12 mới làm tốt; Đề có 3-4 câu lý thuyết dạng nhiều ý nhỏ nhưng không quá khó, không đánh đố, không đòi hỏi suy luận cao. Phần toán cho nhiều câu từ cơ bản đến vận dụng cao, tuy nhiên các cấu trúc phần này dễ hơn so với đề thi năm ngoái, không có các dạng lạ, TS giải mất không quá nhiều thời gian…

“Nhìn chung, đề môn thi thành phần hóa học khá khó đối với TS chỉ xét tốt nghiệp THPT vì chỉ có 10-12 câu hoàn toàn cơ bản nhưng phổ biến. Đồng thời, đề phân loại được TS và dự kiến có nhiều điểm 10 hơn năm ngoái”, cô Thảo khẳng định.

Dương Bình