Thứ hai, 14/5/2012, 15h05

Để tiết dạy nhạc… cất lên thành lời

NGƯT Phạm Thúy Hoan dạy đàn tranh cho các em HS tiểu học. Ảnh: N.Trinh

Từ ngàn đời nay, nhạc cụ dân tộc Việt Nam đã tạo nên “bản hòa tấu” nhiều cung bậc, đa sắc màu trong nền âm nhạc nước nhà. Chuyên đề “Giới thiệu các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam” trong chương trình THCS không ngoài mục đích giúp học sinh (HS) hiểu thêm cấu tạo cũng như công dụng của các từng thể loại nhạc cụ; từ đó các em có thái độ trân trọng và gìn giữ nguồn tài sản vô giá mà tổ tiên đã để lại… 
Trước khi đi vào giới thiệu cụ thể từng loại nhạc cụ, giáo viên (GV) phải đưa ra khái niệm chung nhất về các loại nhạc cụ phổ biến hiện nay để từ đó HS mới hiểu được: “Nhạc cụ là những dụng cụ chuyên dùng để khai thác những âm thanh âm nhạc và tạo tiếng động tiết tấu, được sử dụng cho việc biểu diễn âm nhạc”. Đi xa hơn, GV có thể cho các em biết: “Mỗi nhạc cụ có âm sắc riêng biệt về âm vang, có cường độ âm thanh riêng và âm vực khác nhau. Nhạc cụ xuất hiện gắn liền với lịch sử văn hóa và liên quan tới sự phát triển của nghệ thuật biểu diễn cũng như kỹ thuật chế tạo. Qua quá trình sàng lọc của thực tiễn lịch sử diễn tấu, nhiều nhạc cụ dần mai một. Mặt khác, nhiều loại cũng đã phát triển và ngày càng được hoàn thiện. Nhạc cụ mang đậm tính dân tộc được phát triển và truyền từ đời này qua đời khác. Nhạc cụ thường dùng để đệm cho hát múa, độc tấu, hòa tấu trong các buổi sinh hoạt văn hóa, trong lễ hội của mỗi dân tộc”.
Theo nội dung chương trình, ở bài này có 6 loại nhạc cụ dân tộc được giới thiệu gồm: Sáo, đàn bầu, đàn tranh, đàn nhị, đàn nguyệt, trống. Có những loại nhạc cụ HS dễ dàng nhận biết vì có đặc thù riêng như sáo, trống nhưng có những loại các em chưa từng gặp hoặc thường bị nhầm lẫn khi gọi tên, nhất là các loại đàn như: Đàn nguyệt, đàn nhị, đàn tranh, đàn bầu. Trong “hoàn cảnh éo le” đó chính GV là người tìm cách “giải mã” cho các em qua khái niệm về các loại nhạc cụ dân tộc. Nếu sáo thuộc bộ hơi, trống thuộc bộ gõ thì đàn thuộc bộ dây. Khi đặt các loại dụng cụ trong sự khu biệt thì rất dễ so sánh những điểm khác nhau giữa chúng. Nếu đàn bầu dùng que thì đàn nguyệt lại dùng móng để gảy. GV cũng nên giới thiệu kỹ hơn về chất liệu làm dụng cụ âm nhạc như sáo làm bằng thân cây trúc, trống được làm bằng gỗ (tang trống) và bằng da (mặt trống). Để cho HS có sự ghi nhớ sâu sắc, người dạy nên giải thích các tên gọi của từng loại đàn: Do có hình dạng giống con cò nên được gọi là đàn cò; đàn có hình mặt trăng thì gọi là đàn nguyệt… Để tránh sự nhầm lẫn nên cho các em biết thêm tên gọi khác của các loại nhạc cụ. Ví dụ: Đàn bầu còn được gọi là độc huyền (do chỉ có một dây), đàn tranh gọi theo tiếng Hán là đàn thập lục (vì có 16 dây). 
GV cũng có thể giới thiệu lợi thế của từng loại nhạc cụ để các em HS có thái độ trân trọng với các loại nhạc cụ. Các loại nhạc khí thổi hơi như sáo có ưu thế vang xa, dìu dặt và thuận lợi cho sự thể hiện tính chất dân tộc trong cách phát âm, luyến tiếng. Âm thanh của đàn bầu ngọt ngào, sâu lắng tình người. Đàn nguyệt trong vang, khả năng biểu diễn phong phú; khi sôi nổi giòn giã, lúc nỉ non sâu lắng.
Trăm nghe không bằng một thấy, GV có thể giới thiệu các loại nhạc cụ bằng các hình ảnh từ máy chiếu hoặc tranh vẽ, ảnh chụp. Nếu phòng đồ dùng thiết bị của nhà trường có các loại nhạc cụ này thì nên đưa vào “triển lãm” trong lớp vì “trăm thấy không bằng một sờ”. Nhưng tiết học sẽ không có hồn và hứng thú nếu các em chưa nghe được những tiếng nói cất lên từ các nhạc cụ đó. Chính vì thế, bằng mọi cách GV phải cho các em được thưởng thức âm thanh của các loại đàn, sáo, trống. Các thiết bị đồ dùng dạy học như radio, máy chiếu nếu được GV trang bị đủ, vận dụng tốt sẽ làm tiết học đạt hiệu quả cao. Nếu các em được trực tiếp nghe những âm thanh đó qua ngón đàn điêu luyện của chính thầy cô giáo vang lên từ trong lớp học thì còn gì bằng. Có như vậy mới diễn tả được cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của từng nhạc cụ ở mỗi vùng miền nhằm đưa các em vào một thế giới âm thanh kỳ diệu có sức hút mê lòng. Lúc đó tiết dạy nhạc đã biết cất lên thành lời.
Bên cạnh đó, một số tiết dạy được GV tổ chức dưới hình thức trò chơi lại càng gây hứng thú và say mê đối với người học. Đối với môn âm nhạc đây là một lợi thế độc quyền mà không phải bộ môn nào cũng có được. Các hình thức đố vui như: Nghe nhạc đoán bài hát, nghe nhạc đoán dụng cụ, nốt nhạc vui, trò chơi ô chữ, đoán nhạc cụ qua các dữ liệu… đều không ngoài mục đích giúp HS khắc sâu kiến thức, làm quen với các loại nhạc cụ và có được một tiết học bổ ích, lý thú và sôi động.
Phan Thị Lệ - Nguyễn Thị Thu Trang
(GV Tổ kỹ thuật, Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.Thủ Đức)