Thứ sáu, 22/6/2012, 15h06

Để trẻ không bị tai nạn mùa hè

Với trẻ nhỏ, người lớn phải luôn bên cạnh để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra

3 tháng hè được coi là khoảng thời gian có nhiều tai nạn thương tích xảy ra đối với trẻ em. Theo đó, trung bình mỗi tháng các bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 tiếp nhận hàng chục trẻ em bị tai nạn đến cấp cứu…
Tai nạn vì… được nghỉ hè
Mặc dù học sinh (HS) mới được nghỉ hè chưa đầy một tháng, nhưng những ngày qua các BV nhi đã tiếp nhận khá nhiều trẻ em bị tai nạn nghiêm trọng. Trong đó phải kể đến vụ tai nạn của em N.T.N (nam, 11 tuổi, Lâm Đồng). Hiện N. đang điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Nhi đồng 2 do bị bỏng nặng. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước khi nhập viện, N. đã chơi thả diều với đứa em họ. Điều đáng nói là dây diều không phải bằng sợi cước như thông thường mà bằng dây đồng. Vì vậy, khi dây diều vướng vào dây điện ngoài trời, N. đã bị cháy xém quần áo và bỏng nặng toàn thân. “Nhiệt điện đã làm cháy phần lớn da vùng ngực và hai đùi của N., nếu lớp da này không lành thì phải tiến hành ghép da”, BS. Trương Anh Mậu, Khoa Chấn thương chỉnh hình - BV Nhi đồng 2 cho biết. 
Cuối tháng 5 vừa qua, Khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 1 đã tiếp nhận cùng lúc 5 bệnh nhân (từ 3 đến 13 tuổi) từ BV Bình Thuận chuyển lên với tình trạng ói mửa, rung giật tay chân. Các bệnh nhân đều cư ngụ ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Trước đó, cả 5 bệnh nhân cùng một số trẻ khác đã đi đào nhộng ve sầu ở dưới đất và nấu ăn. Sau khi ăn khoảng 4 giờ, các em bắt đầu nôn ói nhiều kèm triệu chứng rối loạn thần kinh như kích thích, run tay chân và thậm chí một số em còn có biểu hiện co giật.
Một trường hợp khác cũng bị ngộ độc là bé T.H.L. Em nhập viện BV Nhi đồng 2 ngày 2-6 trong tình trạng thở nhanh, sốt, buồn nôn. Trước khi nhập viện, L. đã uống nhầm dầu xoa bóp do mẹ đựng trong chai nước suối.
Bảo vệ trẻ bằng cách nào?
Để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra với trẻ trong dịp hè, ngoài việc đầu tư nhiều sân chơi miễn phí cho trẻ, người lớn, nhất là các ông bố, bà mẹ phải nhắc nhở con em mình không được chơi ở những nơi nguy hiểm, không được ăn uống bậy bạ. Với trẻ ở lứa tuổi mầm non, phụ huynh càng phải cẩn thận hơn, không nên để trẻ chơi một mình. Những vật dụng dễ gây nguy hiểm cho trẻ như dao, kéo, thuốc, dầu, xăng, hóa chất… cần phải để ở chỗ cao, kín đáo, trẻ không thể lấy được.
Bên cạnh đó, tai nạn do bỏng cũng diễn ra khá nhiều, nguy hiểm nhất là bỏng do điện. BS. Nguyễn Quốc Hải - BV Nhi đồng 2, cho biết: “Bỏng điện là một trong các loại bỏng gây tác hại nặng nề và khó điều trị nhất. Bởi đa số trường hợp đều bị đốt cháy toàn bộ gân cơ, thậm chí cả xương ở những nơi điện đi qua. Ngoài ra, dòng điện còn gây ra các tác động khác lên hệ tim mạch, hệ thần kinh. Do đó, các bậc cha mẹ nên hết sức cẩn thận đề phòng bỏng do điện. Nên đặt trên cao hoặc che chắn kỹ các ổ cắm điện, đề phòng các dây điện lâu ngày tróc vỏ bọc…”.
“Khi trẻ bị bỏng, người nhà cần rửa hoặc ngâm vết bỏng của trẻ vào nước lạnh khoảng 10-15 phút. Nếu bỏng do hóa chất thì nên rửa dưới vòi nước sạch chảy nhẹ để làm trôi bớt và làm loãng lượng hóa chất trên da. Tuyệt đối không thoa kem đánh răng, nước mắm, rượu trắng hay các loại thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc vào vết bỏng vì sẽ gây kích ứng vùng da bỏng đang bị tổn thương và làm nặng hơn vết bỏng. Đối với các vết bỏng nhẹ, sau khi ngâm rửa với nước sạch người nhà có thể thoa các loại pommade dùng trong bỏng hiện có trên thị trường như dầu mù u, Biafine, Silvirin rồi băng lại với gạc sạch để giúp vết bỏng mau lành. Nếu trẻ quá đau thì có thể cho uống thuốc giảm đau Paracetamol với liều từ 10-15mg/kg. Đối với các vết bỏng nặng thì bắt buộc phải nhập viện để được điều trị kịp thời”, BS. Hải khuyến cáo.
Bài, ảnh: Kim Anh