Thứ năm, 1/12/2016, 23h26

Để văn học mãi mãi là nhân học

Xét về phương diện giáo dục, chương trình giảng dạy bộ môn ngữ văn cần phải thay đổi nhiều để phù hợp với thời đại hiện nay. Một số lí do sau đây cho thấy rằng, cần phải đổi mới chương trình bộ môn này.

Theo ghi nhận, hiện nay chương trình ngữ văn còn nặng nề về giáo huấn, nhiều tác phẩm không còn phù hợp với thời đại ngày nay... (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Thứ nhất, chương trình giảng dạy bộ môn ngữ văn hiện nay còn nặng về giáo huấn, chất văn còn có phần khiêm tốn. Đó là điều dễ hiểu đối với những giáo viên dạy bộ môn và những ai quan tâm đến chương trình bộ môn này. Và học sinh “khó nuốt” qua những tác phẩm “lối cũ ta về”, nặng nề giáo huấn, không phù hợp với những gì các em được học và áp dụng.

Thứ hai, không chỉ thiên về giáo dục đạo đức, nhiều tác phẩm còn tập trung vào chủ đề yêu nước, chống giặc ngoại xâm, nặng về tư tưởng chính trị. Nội dung này cần thiết, nhưng quá nhiều tác phẩm đưa vào đã trở nên nhàm chán và có phần xa rời thực tế. Chỉ cần đưa một vài tác phẩm ngắn gọn, tiêu biểu để làm minh chứng cho một giai đoạn lịch sử, như vậy sẽ giúp học sinh hiểu được giá trị lịch sử nước nhà và chọn lọc những tác phẩm gần gũi hơn với lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lịch sử hôm nay.

Thứ ba, phần văn học cổ xa lạ với học sinh, nhất là các thể loại phú, hịch, cáo, văn tế xa lạ với cuộc sống hiện nay lại đưa vào quá nhiều. Chính vì sự quá nhiều này đã gây nhàm chán cho cả người dạy lẫn người học. Với những giáo viên trẻ, để truyền đạt cho học sinh đúng “hồn” của những tác phẩm văn học cổ này không phải chuyện dễ dàng. Nhiều giáo viên tìm hiểu rất kỹ nhưng khi giảng vẫn không truyền tải hết được cái hồn của nó, bởi bản thân giáo viên cũng khó tiếp nhận được cái hay, cái đẹp thực thụ. Chỉ có những “cây đa cây đề” có thể dạy tốt những tác phẩm này, nhưng học sinh vẫn khó tiếp nhận bởi các em vẫn chỉ là học sinh, vẫn chỉ là những con người của thời đại mới nên khó cảm thụ được. Nếu làm bài, các em có thể đạt điểm cao nhưng các em là người cảm thụ hộ thầy cô giáo.

Thứ tư, một số tác phẩm đã học ở chương trình cấp dưới lên các lớp trên các em học lại cũng không cần thiết và tạo sự nhàm chán, tốn thời gian. Điều này cho thấy rất rõ một số tác phẩm, đoạn trích được học ở môn tiếng Việt bậc tiểu học, ngữ văn ở bậc THCS học lại ở bậc THPT. Chẳng hạn ở bậc tiểu học, học sinh lớp 5 đã được học văn bản Thái sư Trần Thủ Độ, văn bản này được học lại ở bậc THPT (ngữ văn lớp 10). Cũng ở lớp 5, học sinh được học bài Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân, văn bản này học sinh lớp 10 lại được tiếp nhận một lần nữa trong bài Các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh; cùng là một tác giả (Minh Nhương), cũng từ một nhà xuất bản (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) nhưng độ dài và nội dung cũng có sự khác nhau. Và ở đoạn cuối của văn bản lớp 10 Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân (phần hiện đại hôm nay) hoàn toàn không có ở lớp 5. Không hiểu sao lại được đưa vào như vậy? Văn bản nào là của tác giả, văn bản nào của người biên soạn? Và cũng ở chương trình tiếng Việt 5, học sinh có học một đoạn trích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, lên chương trình ngữ văn lớp 12 lại học tác phẩm một lần nữa. Ở bậc THCS, học sinh lớp 8 có học đoạn trích Nước Đại Việt ta (Nhan đề đoạn trích do người biên soạn SGK đặt - trích tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi). Đoạn trích thuộc phần đầu của tác phẩm, thế nhưng ở bậc THPT, học sinh lớp 10 lại học toàn bộ tác phẩm này.

Thứ năm, một số tác phẩm đặc sắc giàu chất văn nhưng tính nghệ thuật cao, học khó tiếp thu nên cũng làm cho người học kém mặn mà. Người dạy có cố gắng lắm nhưng người học không dễ dàng để tiếp nhận. Có những tác phẩm như Người lái đò sông Đà, bao thế hệ học sinh cũng phải “oằn mình” trong thi cử. Một số văn bản nhật dụng không còn phù hợp, nên thay đổi những văn bản mới gần gũi với thực tiễn hiện nay. Nhiều văn bản nhật dụng với kiến thức xưa cũ vẫn còn áp dụng một cách máy móc, xa rời thực tế. Hay những đoạn trích kịch ở ngữ văn lớp 9 như: Bắc Sơn (Trích hồi bốn) của Nguyễn Huy Tưởng, Tôi và chúng ta (Trích cảnh ba) của Lưu Quang Vũ nên chăng thay bằng những văn bản kịch gần gũi với đời sống của học sinh hôm nay. Một số tác phẩm không phù hợp với trình độ và lứa tuổi với học sinh như Bánh trôi nước (ngữ văn 7). Chương trình tiếng Việt 5, có học một đoạn trích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi. Bài thơ này được nhà thơ ấp ủ, thai nghén trong 8 năm (1948-1955), gần như suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Pháp thì đứa con tinh thần này mới ra đời. Trình độ học sinh lớp 5 chưa phù hợp để tiếp nhận bài thơ này. Để trình độ học sinh lớp 5 tiếp nhận một đoạn trích chẳng khác nào “cưỡi ngựa xem hoa”.

Theo tôi nên lựa chọn những tác phẩm mới, nhất là những cây bút trẻ có những tác phẩm xuất sắc, nội dung gần gũi với đời thường hiện nay để đưa vào chương trình. Cần đưa một số tác phẩm hạt giống tâm hồn vào chương trình, bởi đó là những tác phẩm rất cần thiết để bồi dưỡng tâm hồn học sinh.

Hoàng Thái Hùng
(Giáo viên Trường THCS-THPT Bác Ái, TP.HCM)