Thứ sáu, 23/10/2015, 09h20

Đề xuất giảm còn 1 loại cụm thi

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại hội nghị sáng 22-10

Kỳ thi THPT quốc gia 2016, nhiều ý kiến đề xuất giảm còn 1 loại cụm thi do trường ĐH chủ trì và có sự phối hợp các sở GD-ĐT địa phương thay vì tổ chức 2 loại cụm thi như năm trước.

Đây là một trong số những nội dung nổi bật tại Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2015-2016 khối ĐH-CĐ do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 22-10 tại 6 điểm cầu trên cả nước. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và chỉ đạo hội nghị.

1 cụm thi do trường ĐH chủ trì

Tại TP.HCM, mặc dù có 8 nội dung thảo luận được đưa ra tại hội nghị nhưng các trường ĐH-CĐ chỉ bàn nhiều về tuyển sinh. Trong vấn đề tuyển sinh, hầu hết các ý kiến đều tập trung đề xuất kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 nên giảm còn 1 loại cụm thi do các trường ĐH chủ trì.

Ông Đồng Ngọc Lập - Giám đốc Sở GD-ĐT Tây Ninh - đánh giá, kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, các trường ĐH đã chủ trì cụm thi rất tốt, năm nay nên giao hẳn cho các trường nhiệm vụ này. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - đề xuất bỏ cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì để sở có thời gian phối hợp các trường ĐH cùng tổ chức. Điều này giúp tiết kiệm chi phí.

TS. Nguyễn Quốc Chính - Trưởng ban ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM - góp ý cần hoàn thiện công tác ra đề thi THPT quốc gia 2016. Đề thi phù hợp sẽ định hướng việc học và ôn tập cho học sinh ngay từ lớp 10, 11. “Nên giảm tỷ lệ sử dụng kết quả thi THPT trong xét tốt nghiệp xuống 30% thay vì 50% như năm 2015 để thể hiện rõ quan điểm “đánh giá quá trình” trong giáo dục phổ thông, đồng thời giảm áp lực thi cử cho những thí sinh chỉ thi để lấy kết quả tốt nghiệp THPT” - ông Chính nói.

Mặc dù Bộ GD-ĐT nhận định cơ chế “thi trước, tuyển sau” giúp học sinh chủ động hơn trong chọn trường, chọn ngành phù hợp nguyện vọng và điểm thi nhưng phía các trường ĐH lại cho rằng, còn nhiều hạn chế khác cần khắc phục như rút ngắn bớt thời gian xét tuyển, các trường tốp trên không nên xác định ngưỡng điểm xét tuyển đầu vào thấp…

Kỳ thi THPT quốc gia 2016 dự kiến có một số điểm mới. Nhiều ý kiến đề xuất chỉ còn 1 loại cụm thi do trường ĐH chủ trì. Ảnh: Thí sinh tại cụm thi Trường ĐH Sài Gòn năm 2015. Ảnh: M.Tâm

Vấn đề tự chủ tuyển sinh ĐH-CĐ cũng trở thành đề tài “nóng”, gây tranh cãi. Ông Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH FPT - nhìn nhận, để các trường tự chủ tuyển sinh là xu thế tất yếu. Hiện nay, Việt Nam vẫn nằm trong một số ít quốc gia coi kỳ thi là một sự kiện nóng bỏng. Như vậy, kỳ thi vẫn còn vấn đề. Do đó, không nhất thiết thí sinh phải tham gia duy nhất một đợt thi. Có thể tổ chức hai đợt thi để giảm tải cho thí sinh và các em có thêm lựa chọn. Thứ hai là giai đoạn nhập học không nhất thiết chỉ trong một thời gian ngắn. TS. Nguyễn Quốc Chính cũng đề nghị giao quyền tự chủ xét tuyển cho các trường đồng thời tạo thuận lợi cho thí sinh. Bộ GD-ĐT đóng vai trò điều phối thông qua việc ban hành các điều kiện đảm bảo chất lượng, quy định các đợt xét tuyển và phương thức xét tuyển thống nhất; hỗ trợ quá trình xét tuyển thông qua việc chia sẻ cơ sở dữ liệu kết quả thi THPT quốc gia.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định tuyển sinh trên tinh thần tự chủ ĐH. Các trường nâng cao quyền tự chủ của mình. Bộ chỉ ra những quy định tối cần thiết, không nên đi vào chi tiết. Bộ phải giao quyền tự chủ cho các trường.

Thí sinh vùng giáp ranh sẽ được lựa chọn cụm thi

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nêu ý kiến góp ý cho kỳ thi THPT quốc gia năm tới

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 theo hướng về cơ bản giữ ổn định như năm 2015 với một số điều chỉnh phù hợp.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 dự kiến tổ chức trong 3 ngày 13, 14, 15 tháng 6. Tiếp tục tổ chức cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh như năm 2015 với một số điều chỉnh phù hợp thực tiễn; tăng cường phối hợp, hỗ trợ của các trường ĐH; thí sinh ở các vùng giáp ranh giữa các cụm thi được linh hoạt lựa chọn cụm thi thuận tiện; các vùng đặc thù có nhiều khó khăn sẽ xem xét để đặt các điểm thi tạo thuận lợi cho thí sinh. Đề thi tiếp tục được ra theo hướng đánh giá năng lực, có độ phân hóa tốt hơn để đánh giá khách quan năng lực thí sinh, đáp ứng mục tiêu của kỳ thi. Bổ sung, nâng cấp để hoàn thiện hệ thống phần mềm trên nguyên tắc tăng cường ứng dụng CNTT vào các khâu của kỳ thi, nhất là ở các khâu ĐKDT, ĐKXT, sẵn sàng đáp ứng cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 và những năm tiếp theo. Sau khi hoàn thành việc chấm thi và lên điểm, các cụm thi cập nhật dữ liệu điểm thi vào hệ thống quản lý thi của Bộ GD-ĐT; tăng thêm các cổng công bố kết quả thi để tạo thuận lợi cho thí sinh, khắc phục tình trạng nghẽn mạng như vừa qua.

Với tuyển sinh ĐH, CĐ 2016, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết sẽ điều chỉnh chế độ ưu tiên cho phù hợp với các quy định hiện hành và thực tiễn. Các trường thực hiện phương án tuyển sinh riêng tiếp tục xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành. Công tác tuyển sinh ĐH, CĐ dựa trên kết quả thi THPT quốc gia có một số điều chỉnh trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác tuyển sinh năm 2015 theo hướng tăng quyền chủ động cho các nhà trường. Dự kiến sau khi có kết quả thi, các trường ĐH, CĐ tự chủ tổ chức tuyển sinh. Bộ GD-ĐT quy định thời gian bắt đầu và thời gian báo cáo kết quả tuyển sinh; quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào; thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.

Bộ có thể qui định các đợt xét tuyển trên cơ sở các mức điểm khác nhau của thí sinh theo thứ tự từ cao xuống thấp để giảm rủi ro cho thí sinh và giảm thí sinh ảo cho các trường, mỗi đợt từ 5-7 ngày.

Các cơ sở đào tạo có thể quy định hình thức, điều kiện, thời gian ĐKXT của thí sinh; các nhóm trường (đặc biệt là nhóm khoảng 30 trường ĐH có sức hút thí sinh mạnh mẽ nhất năm 2015) có thể tự nguyện phối hợp với nhau thực hiện tuyển sinh bằng phần mềm xét tuyển và cơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký chung vào nhóm trường này để giảm ảo, tạo thuận lợi cho cả thí sinh và nhà trường.

Thí sinh căn cứ kết quả thi của mình và quy định của cơ sở đào tạo để ĐKXT trực tuyến qua mạng, qua bưu điện, tại trường THPT của sở GD-ĐT hoặc tại trường.

Các trường ĐH, CĐ, các sở GD-ĐT, các chuyên gia giáo dục, phụ huynh, học sinh… tiếp tục góp ý kiến để bộ có thể hoàn thiện phương án tuyển sinh tối ưu nhất.

Đang hiểu sai khái niệm “phân tầng ĐH”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong xu thế hội nhập, các trường ĐH, CĐ của Việt Nam nhất định không đứng ngoài hệ thống chung, kể cả hệ thống, khung chương trình phải theo thế giới. Phân tầng ĐH là để giúp các trường định vị mình nằm ở đâu trong hệ thống các trường Việt Nam, khu vực và thế giới. Các trường đã chú ý đến vấn đề này. “Đồng ý là Việt Nam có đặc thù, nhưng đừng lấy đặc thù làm chính mà phải lấy xu hướng của xã hội. Tại sao không chọn một số tổ chức thế giới phù hợp để theo, để chúng ta biết thế giới nhìn ĐH như thế nào?” - Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Còn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thì cho rằng các trường nói cùng một khái niệm nhưng lại có quan điểm không giống nhau. “Khái niệm” phân tầng ĐH đang được các trường hiểu theo nghĩa ĐH Việt Nam sẽ phân thành 3 thứ hạng: ĐH nghiên cứu, ĐH ứng dụng và ĐH thực hành. Trong đó, các trường quan niệm ĐH nghiên cứu là “cao nhất”, tiếp đến là ĐH ứng dụng và cuối cùng là ĐH thực hành. Trường nào cũng muốn trở thành ĐH ứng dụng. “Trong khi đó, ĐH nghiên cứu, ĐH thực hành hay ĐH ứng dụng chỉ là mục tiêu đào tạo của trường đó” - người đứng đầu ngành giáo dục cho biết. Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cũng khẳng định phân tầng và quy hoạch mạng lưới các trường ĐH là bước đi lớn nên phải tính, tránh cơ giới, máy móc. Bộ GD-ĐT có văn bản hướng dẫn đánh giá đầy đủ. Đồng thời, đẩy nhanh thành lập các trung tâm kiểm định để có căn cứ đánh giá.n

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nhiều ngành nghề y dược đã bão hòa

Liên quan đến tình trạng hàng trăm cử nhân, thạc sĩ không có việc làm, GS.TS.BS Phạm Văn Lình - Hiệu trưởng ĐH Y dược Cần Thơ - cảnh báo: Ngành y dược đào tạo dài về thời gian và khá tốn kém, nếu đào tạo mà không sử dụng đúng thì rất lãng phí và tốn kém. Lĩnh vực y tế bắt đầu xuất hiện những khó khăn trong tìm việc làm sau khi tốt nghiệp, đặc biệt là các ngành: Điều dưỡng, dược sĩ, bác sĩ răng hàm mặt gần như bão hòa. Với qui mô đào tạo như hiện nay, sau năm 2020 ngay bác sĩ cũng khó tìm được việc làm phù hợp. Đề nghị Bộ GD-ĐT có nghiên cứu toàn diện nhu cầu bác sĩ, dược sĩ, cử nhân ở các cơ sở y tế để có dự báo chính xác, góp phần định hướng nghề nghiệp.

Đ.Phượng