Thứ sáu, 9/12/2016, 11h41

Đêm nghe đã đời giọng cải lương Thoại Mỹ

Tối 8-12, NSƯT Thoại Mỹ và các học trò trong chương trình Đường đến Danh ca vọng cổ đã có một đêm gặp gỡ khán giả, tâm sự chuyện đời, chuyện nghề và hát tại phòng trà WE (Q.3, TP.HCM).
Đêm nghe đã đời giọng cải lương Thoại Mỹ 
2 người chị thân thiết Phượng Loan, Thanh Hằng đến góp vui với Thoại Mỹ và các học trò - Ảnh: GIA TIẾN

Lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò làm thầy với các bạn thí sinh, Thoại Mỹ tỏ ra bối rối:

“Tôi đã được học rất nhiều điều bổ ích từ những người thầy đáng kính, vì vậy có dịp chỉ bảo kinh nghiệm lại cho các em trẻ tôi xem như mình đang trả ơn các thầy cô đã tận tâm dạy dỗ mình. Tôi không dám nhận là cô giáo, chỉ mong là người chị lớn đồng hành cùng các em để nuôi lớn khát khao ở bộ môn nghệ thuật cải lương đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hiện nay”.

Đỡ lời nghệ sĩ Thoại Mỹ, MC Hữu Quốc nói rằng chị không nhận làm cô giáo, thì thôi… chị giáo cũng được! Vậy là từ “chị giáo” đã được mọi người gọi Thoại Mỹ trong suốt chương trình.

Tuy sức khỏe không được tốt nhưng trong đêm 8-12, “chị giáo” Thoại Mỹ đã hát đến… 15 bài! Chị hát đơn, hát cùng các thí sinh, hát cùng MC Hữu Quốc và hội ngộ với hai người chị tinh thần là Thanh Hằng và Phượng Loan với bài tân cổ nhiều cảm xúc Lòng mẹ.

Sau nhiều năm sống tại Mỹ, khán giả có vẻ nhớ Thoại Mỹ nên chương trình tối 8-12 khá ấm cúng với nhiều nhiều người hâm mộ. Họ hạnh phúc lắng nghe Thoại Mỹ hát và sau mỗi tiết mục, liên tục đòi nhân vật chính hát tiếp. Thế nhưng, rất ý thức được vai trò dìu dắt của mình, Thoại Mỹ xuất hiện đúng lúc và làm bệ đỡ để các thí sinh của mình tỏa sáng.

Đêm nghe đã đời giọng cải lương Thoại Mỹ 
Các khán giả yêu cải lương đã được nghe đã đời hơn 3 giờ vọng cổ - Ảnh: GIA TIẾN

Hai gương mặt Thu Vân và Bùi Trung Đẳng (từng đoạt giải Chuông vàng vọng cổ) thì có lẽ không phải bàn, vì họ đã phần nào định hình được giọng hát, phong cách diễn xuất và chút ít tên tuổi. Thu Vân có giọng hát cao vút, ngọt ngào, xử lý câu chữ tinh tế. Trong khi Bùi Trung Đẳng có làn hơi được cho là ảnh hưởng nghệ sĩ Thanh Tuấn, tuy nhiên Đẳng đã biết vận dụng linh hoạt để tạo nét riêng cho mình khiến giọng ca của anh có nội lực và mang chất lãng tử.

Những bạn thí sinh khác dù là tay ngang, dù không quá xuất sắc nhưng đều mang dấu ấn riêng đem đến cho người nghe sự thú vị. Chẳng hạn Sơn Tùng với giọng ca ma mị ảnh hưởng từ làn hơi của nghệ sĩ Mỹ Châu, Minh Chí vượt qua khiếm khuyết bản thân chinh phục khán giả với giọng hát nam tính, trầm tĩnh, Lâm Thanh Cung là nam nhưng hát giọng nữ cao khiến người xem… hết hồn, anh tài xế Hồ Minh Hương rụt rè nhưng tạo được cảm tình với giọng ca phóng khoáng, trong khi Thanh Tâm lại sở hữu giọng thổ lạ tai…

Một đêm chỉ có hát và trò chuyện tâm tình, từ Miền Tây quê tôi, Lan và Điệp, Người tình trên chiến trận, Tâm sự loài chim biển, Ký ức hoa đào, đến Bài thơ vu quy, Tình hận thâm cung… Khán giả ghiền cải lương đã có một đêm nghe hát đã đời. Trong không gian phòng trà khá nhỏ hẹp, không phông màn, cảnh trí, chỉ có tiếng hát ngọt ngào tìm đến người tri âm, giản đơn vậy thôi mà sao đong đầy cảm xúc…

Đêm nghe đã đời giọng cải lương Thoại Mỹ 
NSƯT Thoại Mỹ say sưa hát đến 15 bài trong chương trình - Ảnh: GIA TIẾN

Thoại Mỹ vốn là học trò cưng của NSND Phùng Há. Rất nhiều nghệ sĩ gạo cội đánh giá cao khả năng của cô, như NSND Diệp Lang từng phát biểu rằng Thoại Mỹ chính là “cô đào rộng đường xài”.

Ý của ông là Thoại Mỹ không chỉ diễn được vai đào thương mà còn có thể trị được những vai đào lẳng, đào tính cách với chất giọng ngọt ngào, uyển chuyển, linh hoạt. Vì thế… bỏ Thoại Mỹ vào dạng nhân vật nào, cô cũng có thể xoay sở được.

Thoại Mỹ hiện đang là một trong ba giám khảo của chương trình Đường đến Danh ca vọng cổ bên cạnh Kim Tử Long, Ngọc Huyền. Đây là chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm những giọng ca triển vọng trong lĩnh vực cải lương phát sóng thứ bảy hàng tuần trên HTVC Thuần Việt.

LINH ĐOAN (TTO)