Thứ hai, 20/6/2011, 21h06

Đeo biển là thằng ăn cắp’: giáo dục hay bạo hành trẻ?

 Câu chuyện về một cậu bé 13 tuổi đeo tấm biễn ghi dòng chữ “Tôi là thằng ăn cắp” trên đường phố Sài Gòn đã làm dấy lên tranh cãi về một cách thức giáo dục trẻ em.
Cậu bé ấy là N. (13 tuổi, quê Hải Dương). Theo người chú ruột tên Kha, N. phải chịu hình phạt kể trên do đã nhiều lần rình rập ăn cắp khắp mọi nơi để lấy tiền mua đồ đạc, vũ khí trên game online.
Cũng theo người chú này, bố N. mất sớm, mẹ N. phải nuôi ba anh em nhưng cậu bé này vẫn không biết thương mẹ mà đêm ngày mải mê chơi game. Đến tối 16/6, N. chơi tại một quán game và định ăn cắp một chiếc xe thì bị phát hiện. Bực tức, anh Kha đã phạt N. sau khi bảo lãnh cháu mình từ công an phường Bình Hưng Hòa.
Câu chuyện được đưa lên báo, nhanh chóng lan truyền trên hàng chục diễn đàn kéo theo hàng trăm ý kiến thể hiện các quan điểm khác nhau về hình phạt “đeo biển” mà anh Kha dành cho N.  
Thương cho roi vọt?
Đã có nhiều ý kiến phản đối, cho rằng hình phạt của anh Kha đối với cháu ruột của mình là không thể chấp nhận được. 
Trên diễn đàn Shoptretho, thành viên Oanhlt bày tỏ: “Có nhiều cách để giáo dục trẻ con, nhưng cách giáo dục của anh Kha quả là một sai lầm quá lớn, sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ về sự tự ti và mặc cảm bản thân. Các bậc phụ huynh nên xem xét lại cách giáo dục của mình để bé có thể nhận ra sai lầm và sửa đổi, chứ đừng để hình phạt của các bậc làm cha mẹ là nổi ám ảnh của các bé suốt đời”. 
Một số người lo ngại hình phạt “đeo biển” sẽ để lại di chứng tinh thần về lâu dài cho em N. “Bạo lực thể xác còn liền sẹo chứ bạo lực tinh thần không bao giờ lên da non được”, thành viên tetthi, diễn đàn Linkhay bình luận. 

Em N. và tấm biển “Tôi là thằng ăn cắp”.
Thành viên nick Sầu Vô Lệ, diễn đàn Chiplove còn cho rằng, sự trừng phạt như vậy có thể “giết chết một con người”. Thành viên này chia sẻ: “Mới chỉ hư hỏng 50% nhưng sau lần này có lẽ hỏng 100%, chứ không phải là thành người đâu. Thử đặt các bạn vào trường hợp đó xem. Mới 13 tuổi - cái tuổi đang lớn - nó cũng biết thế nào là xấu hổ rồi. Nếu là các bạn đeo tấm bảng đó rồi hàng trăm người qua lại nhòm ngó dè bỉu mắng nhiếc thì tớ thề lúc đó lòng các bạn chỉ thêm căm phẫn thôi".
"Mình còn nhớ lúc mình ở cái tuổi đó, mỗi lần mình mắc sai phạm, chỉ mong người lớn an ủi động viên, khuyên bảo để có thể sống tốt hơn. Chứ chưa bao giờ ai áp đặt hình phạt kiểu như vậy mà mình bỏ qua cả”, nick Sầu Vô Lệ nói tiếp.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến phản đối, cũng có không ít người bày tỏ sự đồng cảm với anh Kha trong việc dạy dỗ em N.  
Trên diễn đàn Ischool, thành viên Nguyễn Bá Toàn nhận định: “Hoàn cảnh của N. cũng đáng thương, bố mất mà nhà lại đông anh em nên cuộc sống không đầy đủ như bao người, tội thật. Nhưng nói gì thì nói, thằng nhóc này đáng bị vậy, nhà đã nghèo, đã đông anh em mà còn mê chơi game, không quan tâm đến mẹ mà chỉ lo game, như vậy là bất hiếu. Đã vậy, khi lên TP HCM với cậu, nó không lo tu tỉnh, mà lại càng tợn hơn khi dám ăn cắp để lấy tiền chơi game. Không giáo dục đàng hoàng sau này nó có thể sẽ giết người để kiếm tiền chơi game lắm chớ, nhiều trường hợp vì game mà đâm chém, cướp của rồi mà”. 
Liệu pháp “sốc” chữa được "bệnh" nghiện game online?
Quanh câu chuyện của em N., một lần nữa cồng đồng mạng lại nhấn mạnh đến những hiểm họa của game online đối với một bộ phận trẻ em ở Việt Nam. 
Thành viên Xuân Nghĩa, mạng xã hội Facebook nhận xét: “Nghiện game như nghiện ma túy, nếu không có những biện pháp giáo dục cực mạnh thì N. không thể tỉnh ngộ và từ đó sẽ đánh mất tương lai của mình”.
Trên diễn đàn Linkhay, thành viên hoangham84 so sánh: “Anh hùng trên game, ăn cắp ngoài đời. Đôi khi cũng phải phũ phàng để cho các em nhận thức được. Ham làm anh hùng trên game mà đánh mất cuộc đời thật thì còn khổ hơn... Nhớ vụ bố bắt con bò trên phố ở Gia Lai, cũng chỉ vì game... Làm phụ huynh đôi khi cũng đau lòng”.
Cảm thông với anh Kha, thành viên nick hungdaovuong cho rằng đối với những đứa trẻ nghiệm game thì chỉ có biện pháp mạnh mới giáo dục nổi: “Cứ thử đưa cho các bác một thằng nhóc nghiện game online thử xem, đố các bác khuyên nhủ nó được, trừ khi gặp biện pháp mạnh hay biến cố lớn thì may ra mới dứt ra được. Ăn cắp do đói khổ nó khác, còn ăn cắp do thỏa mãn ham muốn và dục vọng của mình thì nó khác. Trẻ con như cái cành non, không uốn nó từ nhỏ thì khi nó lớn đừng hi vọng nhiều, khi đó dùng mọi biện pháp khuyên răn không có tác dụng thì phải dùng biện pháp mạnh thôi”.
Cũng ủng hộ “biện pháp mạnh”, thành viên Hunter (Linkhay) bày tỏ: “Bố mất sớm, không biết thương mẹ vất vả mà cứ lao đầu vào mấy trò game, rồi sinh ra trộm cắp. Thà phạt ở nhà, còn hơn ra ngoài ăn cắp bị dân oánh chết. Thằng cu cùng lớp mình ngày xưa còn bị quất dây điện, bắt cởi chuồng đứng ngoài đường, cu cậu xấu hổ quá, trèo lên cây bàng. Giờ cũng vợ con đề huề”.
Theo Quốc Lê
(baodatviet)