Thứ sáu, 13/7/2012, 15h07

ĐH chất lượng cao: Cao đến đâu?

SV chương trình “Đào tạo đặc biệt” của Trường ĐH Mở TP.HCM học về kỹ năng mềm phù hợp nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Ảnh: M.T

Thay cho chương trình đào tạo ngoài ngân sách, năm 2011, Bộ GD-ĐT cho phép các trường tuyển sinh đào tạo chất lượng cao (CLC). Ngay trong kì tuyển sinh 2011, một số trường ĐH đã bắt đầu tuyển sinh và năm nay thêm nhiều trường triển khai. Tuy nhiên, thế nào là CLC? Cao như thế nào? Làm sao để xác định được đó là CLC… thì còn nhiều vấn đề cần bàn cãi.
Mỗi nơi một phách
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, đào tạo CLC có nhiều hệ, bao gồm: Hệ chương trình đào tạo tiên tiến hay chương trình tiên tiến (CTTT), hệ CLC. Đào tạo theo xu hướng này, các trường hướng tới các chuyên ngành “hot” gồm: Tài chính ngân hàng, hình sự, tư pháp, hành chính, quan hệ quốc tế… Vì theo cách lập luận của các trường, những chuyên ngành trên cung cấp nguồn nhân lực CLC, đáp ứng với nhu cầu của xã hội hiện nay. Người học sẵn sàng bỏ tiền ra theo học, nên nhà trường không sợ ế.
Với cách suy luận như trên, Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) năm nay mở thêm nhiều chuyên ngành CLC, CTTT. Điều kiện để vào được hệ này, yêu cầu đầu tiên thí sinh phải đạt điểm sàn vào trường. Sau đó, nhà trường sẽ tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT, cộng thêm xét tuyển tiếng Anh. Khi hỏi về chỉ tiêu cho các hệ đào tạo CLC, CTTT ông Bùi Xuân Nhàn, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Chỉ tiêu còn phụ thuộc vào nguyện vọng của thí sinh, nhà trường cân đối”.
Tương tự, năm nay Trường ĐH Thủy lợi cũng mở thêm chuyên ngành CLC, CTTT. Khi đề cập vấn đề chất lượng của chương trình này, GS.TS Phạm Ngọc Quý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi, khẳng định: “Dựa vào cách đặt vấn đề của bộ, nhà trường “nhập khẩu” chương trình từ nước ngoài về, cách thức triển khai từ lí thuyết đến trợ giảng, đánh giá, tài liệu… Chúng tôi cố gắng xây dựng môi trường đào tạo giống nước ngoài. Mỗi một lớp chỉ có 30 sinh viên (SV), trường cố gắng giữ chất lượng đào tạo theo đúng tên gọi CLC”.
Trên cơ sở chương trình CLC, Trường ĐH Thủy lợi đang dự kiến mở thêm các chương trình đào tạo làm kinh tế mà không cần sự hỗ trợ của Bộ GD-ĐT, dạy theo CTTT. Cụ thể xây dựng từ 3-4 chương trình cao học bằng tiếng Anh, nâng cao năng lực đào tạo.
Trường ĐH Ngoại thương, năm nay dự kiến mở hai chương trình đào tạo CLC, gồm: CLC tiếng Anh và CLC tiếng Việt. Thậm chí, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có cả một khoa đào tạo CLC. Cách tuyển sinh vào hệ CLC của các trường là sau khi trúng tuyển (đạt điểm sàn trở lên) nếu có nguyện vọng học chương trình này, nhà trường sẽ gọi. Tuy nhiên, muốn học chương trình này, SV sẽ qua vòng kiểm tra tiếng Anh, đạt từ 250 TOEIC trở lên mới được theo học. Đây là cách tuyển sinh mà nhiều trường đang áp dụng.
Chất lượng có tương xứng với học phí?
Mục tiêu của đào tạo CLC là cung cấp cho người học các dịch vụ đào tạo một cách tốt nhất nhằm tạo ra môi trường học tập, nghiên cứu khoa học, sinh hoạt, tu dưỡng, rèn luyện theo chuẩn mực quốc tế với chi phí thấp. SV học tập theo chương trình đào tạo chính qui có tăng cường kiến thức Anh văn, tin học, chuyên đề ngoại khóa… Các kỹ sư tốt nghiệp chương trình này sẽ có kiến thức lý thuyết giỏi, kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, tiềm năng nghiên cứu khoa học tốt, khả năng giao tiếp linh hoạt… Ngoài ra, với phương thức quản lí khoa học, nghiêm túc, với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, khoa và gia đình góp phần xây dựng cho SV một sự phát triển hài hòa giữa nhân cách và kiến thức, bảo đảm được sự chăm sóc tốt nhất cho người học. Hơn nữa, cơ sở vật chất của các trường vốn là đầu tư công, đồng nghĩa với việc mọi SV trúng tuyển vào trường đều có quyền lợi và nhu cầu bình đẳng trong đào tạo. Việc người có nhiều tiền được thụ hưởng điều kiện giáo dục tốt hơn sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử trong đào tạo, cả về điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên.
Tuy nhiên, đến nay khi các trường tuyển sinh CLC, học phí cao, nhiều người đặt câu hỏi: Thế nào là CLC, cao như thế nào, làm sao để người học tin đó là CLC tương ứng với mức học phí mà họ đã bỏ ra hay đóng tiền cao gọi là CLC?  
Hiện nay, học phí của chương trình CLC cũng vì thế mà đẩy lên cao gấp 10 lần chương trình bình thường. Theo tìm hiểu của chúng tôi, học phí của chương trình CLC phổ biến ở mức 22-40 triệu đồng/năm. Tại ĐH Ngoại thương mức học phí dự kiến là 20 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, dư luận vẫn không khỏi băn khoăn, với mức học phí cao nhưng rõ ràng điểm chuẩn vào các chương trình này không phải là ở mức cao nhất, chỉ bằng điểm chuẩn vào trường ở mức thấp nhất. Vậy không hiểu, CLC ở đâu? Thực tế là CTTT và chương trình CLC hiện nay chưa có sản phẩm đầu ra nên rất khó đánh giá. Còn về phía SV, nhiều em khẳng định: “Ngoài cơ sở vật chất hơn hệ bình thường là được học trong phòng điều hòa với số lượng SV ít thì chương trình học đều tương đương với chương trình bình thường”.
Về vấn đề sử dụng điều kiện công để thu học phí cao, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng trong điều kiện thiếu thốn như hiện nay, nếu phân bổ cào bằng thì tất cả sẽ kém như nhau nên cần có chính sách xã hội hóa để kéo chất lượng đi lên. Phải chấp nhận có sự phân tầng. Tuy nhiên, TS. Nghĩa cũng nhấn mạnh: Trường nào cũng có thể tuyên bố CLC nhưng thực hiện thế nào, kiểm tra ra sao và duy trì được hay không mới là vấn đề. Để đánh giá thế nào là CLC cần phải có đánh giá học thuật về chương trình đào tạo, chi phí và đào tạo thế nào cho tương xứng, xác định chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp như thế nào. Điều quan trọng là nói phải đi đôi với làm, phải có một đơn vị khách quan kiểm tra các trường có làm như cam kết hay không, có tương xứng với chi phí mà người học bỏ ra hay không. Nếu không người học sẽ bị thiệt thòi.
Nghiêm Huê