Thứ năm, 30/3/2017, 22h22

Đi bơi giải nhiệt, coi chừng viêm tai ngoài

Mùa nắng nóng nhiều người đang tìm đến các hồ bơi để giải nhiệt. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm tai ngoài nhất là trẻ em do vệ sinh kém. Theo báo cáo của BV ĐH Y dược TP.HCM và BV Tai mũi họng TP.HCM trong 2 tuần nay, số ca đến khám viêm tai ngoài người đến đang có chiều hướng tăng đột biến.

Bệnh nhân chờ khám tại BV Tai mũi họng TP.HCM ngày 29-3

Tại Khoa Nhi BV Tai mũi họng TP.HCM vào ngày 29-3 có rất đông phụ huynh đưa con đến khám bệnh viêm tai ngoài.

Bơi nhiều mắc bệnh dễ

Anh Lê Văn H. ngụ ở đường Trường Chinh, Q.Tân Bình đang điều trị bệnh cho đứa con trai đầu lòng tại Khoa Nhi - Tổng hợp kể: “Con trai tôi 3 tuổi thời gian gần đây hay khóc nhè, bú kém. Lúc đầu vợ chồng tôi cứ nghĩ cháu bị cảm sốt nhưng sau đó cháu còn hay bị ói. Sau một lần đi khám tại trung tâm y tế quận, cháu được BS chẩn đoán viêm tai ngoài do tôi đưa cháu đi bơi”.

Tại Khoa Khám bệnh của BV Tai mũi họng TP.HCM, số lượng bệnh nhân khám tai cũng tăng so với thời gian trước. Mặc dù buổi chiều nhưng ba dãy ghế ở phòng chờ ngay sảnh của BV cũng không còn chỗ. Anh Trần Vũ D. - SV Trường ĐH Sài Gòn cho biết: “Tôi bị viêm tai ngoài cách đây 2 năm mặc dù đã khám và điều trị nhiều lần nhưng bệnh chưa bớt, nhất là thời gian nào đi bơi nhiều thì bệnh lại nặng hơn”. Theo anh D. triệu chứng viêm tai ngoài cũng dễ nhận thấy vì lúc đầu có cảm giác tai bị đầy nước sau đó là nhức và sưng. Tình trạng đau kéo dài gây chóng mặt, ù tai và đôi khi mất thăng bằng. Vốn mê bơi lội từ bé nên hàng tuần D. vẫn thường đi bơi tại các bể bơi quanh khu nhà trọ. Đây chính là lý do bệnh viêm tai ngoài mạn tính của anh SV năm thứ 3 cứ kéo dài mãi dù đã uống thuốc từng đợt. Mặc dù nghe được BS căn dặn nhưng việc đeo dụng cụ nút lỗ tai khi bơi của D. cũng không thường xuyên nên viêm vẫn hoàn viêm.

Lưu ý cách vệ sinh

Thời gian gần đây tại BV ĐH Y dược TP.HCM số người bệnh đến khám bệnh viêm tai ngoài bắt đầu tăng. Nếu trước đây mỗi ngày chỉ có 40 đến 50 ca thì thời điểm này có ngày tăng gần cả 100 ca.

GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu - Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM cho biết, ống tai ngoài là phần nằm ở phía ngoài của tai, giữa vành tai và màng nhĩ. Khi trong ống tai ngoài ứ đọng nước, vi khuẩn và vi nấm có điều kiện thuận lợi để phát triển đã gây nên bệnh viêm tai ngoài. Viêm tai ngoài là tình trạng viêm, phản ứng kích thích hay nhiễm trùng ở ống tai ngoài. Triệu chứng dễ nhận biết viêm tai ngoài là ngứa, đau tai.

Đối với trẻ em thì việc nhận biết bệnh càng khó hơn nhất là trẻ chưa biết nói. Thông thường trẻ đau trong tai và ngứa nên cảm thấy vô cùng khó chịu. Nếu người lớn quan sát sẽ thấy khi đó tai và ống tai của trẻ có triệu chứng sưng to hơn bình thường. Nếu cha mẹ sờ vào tai thì thấy tai sưng đỏ có mủ và trẻ khóc thét lên thì có khả năng trẻ bị viêm tai ngoài. Trẻ hay gãi tai thường xuyên và quấy khóc liên tục cũng là một trong những triệu chứng của viêm tai ngoài.

BS Đỗ Hồng Giang - Trưởng khoa Thính học (BV Tai mũi họng TP.HCM) khuyên để không bị bệnh cách tốt nhất là phải biết được cách phòng ngừa bệnh viêm tai ngoài như sử dụng dụng cụ nút tai khi đi bơi hoặc tắm. Nhưng thực tế thì tại các hồ bơi có hàng chục người xuống nước nhưng cũng chỉ có vài ba người là có đeo dụng cụ nút tai.

Trường hợp bệnh nặng hơn thì làm cho trẻ bị sốt cao. Khi bệnh nhi nhai hoặc ngáp sẽ có cảm giác đau nhức, nặng hơn nữa là nửa mặt tai sẽ bị sưng tấy. Bệnh viêm tai ngoài ở trẻ em nếu bị viêm nhiễm nặng  gây nên bởi vi khuẩn có thể gây đau đớn cho người bệnh, khiến tai có mủ có thể làm thủng màng nhĩ và giảm sức nghe ở trẻ.

BS Đỗ Hồng Giang - Trưởng khoa Thính học (BV Tai mũi họng TP.HCM) khuyên để không bị bệnh cách tốt nhất là phải biết được cách phòng ngừa bệnh viêm tai ngoài như sử dụng dụng cụ nút tai khi đi bơi hoặc tắm. Nhưng thực tế thì tại các hồ bơi có hàng chục người xuống nước nhưng cũng chỉ có vài ba người là có đeo dụng cụ nút tai.

Trong quá trình bơi nhất là bơi sải và bơi ngửa nước dễ bị chảy vào tai. Vì thế sau khi bơi cần nghiêng đầu hoặc nhảy mạnh sang từng bên để nước chảy ra ngoài tai.  Có thể sử dụng luồng hơi nóng từ máy sấy tóc ở cường độ thấp hoặc sấy lạnh với khoảng cách xa nhất định với tai để làm khô ống tai sau khi tắm hoặc ở dưới bể bơi lên.

Để tránh tái phát, người bệnh cần lưu ý không nên dùng tăm bông ráy tai để làm sạch ống tai. Việc sử dụng bông ráy tai không đúng cách có thể đẩy chất dơ từ phía ngoài vào ráy tai vào bên trong ống tai tạo điều kiện cho bệnh viêm tai ngoài phát sinh. Nên dùng các dung dịch sát trùng để nhỏ vào tai sau khi tắm hoặc bơi. “Khi trẻ có dấu hiệu bị bệnh cha mẹ nên đưa trẻ đi khám tại các phòng khám tai mũi họng và có biện pháp điều trị kịp thời tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm” - BS Giang khuyên.

Bài, ảnh: Quang Phan