Thứ sáu, 6/11/2015, 06h19

“Đi đúng đường” để hội nhập thế giới

Học sinh Trường THPT Lương Văn Can tìm hiểu thông tin ngành nghề tại gian hàng tư vấn

Trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Lương Văn Can và Ngô Quyền (TP.HCM), rất nhiều học sinh đã nói ra những thắc mắc của mình về các cơ hội, kỹ năng nghề nghiệp cần có trong xu thế hội nhập toàn cầu.

Đừng né ngành chỉ vì… ngoại ngữ

Tại Trường THPT Lương Văn Can, các em học sinh không ngần ngại chia sẻ những băn khoăn của mình trước ngưỡng cửa tương lai. Đặng Linh Lan (học lớp 12A8) tâm tư: “Em muốn đăng ký thi khối ngành kỹ thuật, vậy ngành này có cần phải học ngoại ngữ nhiều không?”. Đây không phải là lần đầu tiên Ban tư vấn được các em đặt câu hỏi liên quan đến ngoại ngữ. Chia sẻ về vấn đề này, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM) cho biết: Trong năm 2014, một báo cáo về con số 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đã gây hoang mang cho rất nhiều người, nhất là những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Trên thực tế, con số người thất nghiệp là từ nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó vấn đề thiếu và yếu các kỹ năng ngoại ngữ, tin học là một trong những nguyên nhân khiến nhân lực không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. “Có thể coi ngoại ngữ và tin học giống như hai chiếc quai của ba lô hành trình đi tìm việc làm, thiếu một quai cũng sẽ rất vất vả. Vì vậy, sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng hai kỹ năng này”, ThS. Phạm Doãn Nguyên nói.

Góp ý thêm, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM) nhìn nhận: So với nhiều quốc gia trên thế giới, thậm chí cả trong khu vực, người Việt Nam có bất lợi về mặt ngoại hình, thấp bé và nhỏ con. Chính vì điểm này nên thế hệ trẻ cần phải giỏi ngoại ngữ và các kỹ năng để bù lại những bất lợi trên khi hội nhập cùng thế giới. “Đó là chưa kể tất cả các ngành hiện nay đều cần phải có ngoại ngữ để học tập và nghiên cứu. Khi lên ĐH, các em phải chủ động trong học tập và nghiên cứu để mở rộng, hiểu biết thêm nhiều vấn đề trong cả chuyên môn lẫn kiến thức xã hội. Vì vậy, đừng chọn ngành này, ngành kia chỉ để… né ngoại ngữ. Biết thêm một ngoại ngữ, các em không chỉ có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm cả trong và ngoài nước mà còn có có cơ hội mở rộng, học hỏi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn cho bản thân”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa khẳng định.

Học sinh Trường THPT Lương Văn Can đặt câu hỏi cho Ban tư vấn

Không thiếu việc cho lao động có tay nghề

Trước những thông tin sôi nổi về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối 2015 và Việt Nam vừa gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) làm cho các em học sinh Trường THPT Ngô Quyền rất quan tâm đến những biến động về kinh tế, cơ cấu lao động khi Việt Nam gia nhập các tổ chức này. Vũ Đức Bình (học lớp 12A4) hỏi: “Khi gia nhập hai tổ chức này, những ngành nghề nào sẽ có cơ hội việc làm cao?”. Trả lời câu hỏi này, ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) khẳng định: Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi tham gia các tổ chức này, Việt Nam sẽ có sự gia tăng cơ hội việc làm mạnh mẽ ở những ngành như sản xuất gạo, xây dựng, vận tải, dệt may và chế biến lương thực. Có 8 ngành nghề mà lao động có kỹ năng tay nghề cao được phép di chuyển trong khu vực, được 10 nước ASEAN thống nhất công nhận giá trị tương đương của chứng chỉ đào tạo ở các nước thành viên là dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, kiến trúc, giám sát thi công, kế toán, bác sĩ, nha sĩ, du lịch. Ngoài ra, một số ngành kinh tế có thể phát triển nhanh nhờ vào mức tăng trưởng kinh tế đạt được thông qua quá trình tự do hóa thương mại như các ngành: Dệt may, da giày,  thủy sản, điện tử, đồ gỗ và nội thất… “Những tác động tích cực đến sự tăng trưởng kinh tế ở khu vực này sẽ mang lại nhiều cơ hội về việc làm cho cả Việt Nam và các nước trong khu vực. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta có đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức, tập đoàn kinh tế hay không khi mà kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm) vẫn đang là ba vấn đề thách thức của nguồn nhân lực Việt Nam. Nếu đáp ứng được ba yêu cầu này, những lao động có trình độ, tay nghề không lo thiếu việc”, ông Trần Anh Tuấn nói.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Vấn đề đặt ra là chúng ta có đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức, tập đoàn kinh tế hay không khi mà kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp vẫn đang là vấn đề thách thức của nguồn nhân lực Việt Nam.