Thứ ba, 18/8/2009, 09h08

Đi đường vòng tới đích sớm hơn đường thẳng!

Trong tâm trí của mọi người, từ người nông dân cho đến trí thức, những học giả và ngay cả bản thân tôi, đều cho rằng “ĐH là con đường thẳng để đi vào đời.
Để thành công trong tương lai, còn  những cách khác (học trung cấp, nghề...) đều là những con đường vòng”. Điều này không có gì phải bàn, nhưng điều cần nói ở đây là: Con đường nào đi là tốt nhất đối với mỗi người, con đường nào ngắn nhất?
Sẽ có người cho rằng câu hỏi này là dở: Ai ai cũng nói đường thẳng là ngắn nhất. Thật ra lại hoàn toàn không. Đường thẳng mà gặp nhiều trở ngại so với đường vòng không có trở ngại thì đôi khi đường vòng cho ta đến đích nhanh hơn.
Trở ngại của đường thẳng là gì? Trước mắt, đó là cánh cửa ĐH. Không phải ai cũng vượt qua được cánh cửa này. Bây giờ xét đến hai người A và B. A thi 3 năm không đậu ĐH và quyết tâm thi năm 4, còn B vì lượng sức mình đã chọn học CĐ. Sau 3 năm, B có trong tay một nghề để nuôi sống bản thân và gia đình, còn A thì vẫn nung nấu quyết tâm thi tiếp. Trước mắt thì A là tay trắng. Do đó, điều đầu tiên là phải biết lượng sức mình. Nếu không đạt được, sức mình không tới, thì hãy mạnh dạn chọn con đường khác. Điều quan trọng là phải có một nghề trong tay, phải định hướng được đường đi của mình.
Trở ngại thứ hai xuất hiện khi bạn đã bước chân vào trường ĐH, khi bạn đã là những tân sinh viên. Có rất nhiều thí sinh sau khi vào ĐH bắt đầu “ăn chơi thả phanh” với lý do “mười mấy năm bị kìm kẹp, bây giời là lúc xả hơi”. Những tân sinh viên này dần trở thành gánh nặng cho nhà trường và cho chính cái mác... ĐH.
Chướng ngại thứ ba đối với sinh viên là những gì học ở trường chỉ là cái căn bản, nó là quan trọng nhưng không phải là tất cả. Cái quan trọng hơn chính là những kỹ năng không hề được giảng dạy trên giảng đường (khả năng thích nghi với hoàn cảnh, khả năng giao tiếp, những kỹ năng mềm).
Vì thế đôi khi đi đường vòng sẽ tới đích sớm hơn đường thẳng.
Phạm Long Khánh
(116/65 Tô Hiến Thành, P.15, Q.10, TP.HCM)
TNO