Thứ sáu, 22/7/2011, 11h07

Dịch bệnh tay chân miệng: Trường học sẽ đối mặt với đỉnh dịch

Normal0falsefalsefalseMicrosoftInternetExplorer4Sáng 21-7, Viện Pasteur TP.HCM đã tổ chức hội nghị giao ban khu vực phía Nam về công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng (TCM). Tại đây, các chuyên gia y tế khẳng định, dịch bệnh TCM có nhiều diễn biến khác lạ so với mọi năm, dự báo dịch sẽ kéo dài qua năm sau…

Bệnh nhi TCM đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1

Theo số liệu thống kê của Viện Pasteur TP.HCM, tính đến 10-7-2011, khu vực phía Nam có 18.810 trường hợp mắc TCM, trong đó có khoảng 60 ca tử vong. “Nóng” nhất là TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre…

Ca nặng ngày càng nhiều

Hiện nay chi phí điều trị cho một ca TCM bị biến chứng thần kinh (từ độ 2B trở lên) là 44 triệu đồng, nếu lọc máu là 57 triệu đồng (chỉ định cho các trường hợp viêm cơ tim, phù phổi cấp).

Trong bảy tháng đầu năm nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiến hành lọc máu cho 17 bệnh nhân TCM. Trước khi triển khai kỹ thuật này, cả 17 trường hợp đều diễn tiến nặng, khả năng tử vong rất cao. Sau lọc máu, 11 trường hợp sống khỏe mạnh, 2 trường hợp sống có di chứng (trong đó 1 ca di chứng rất nặng), 3 trường hợp còn lại tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phương Anh - Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Bệnh TCM do virus đường ruột (Enterovirus) gây ra, trong đó thường gặp nhất là Coxsackie A 16 và EV 71. Nhóm EV 71 thường gây bệnh cảnh lâm sàng nặng với các biến chứng về thần kinh, hô hấp, tim mạch dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời”.

Thực tế đã chứng minh, hầu hết các ca TCM tử vong đều do virus EV 71 gây nên. Và điều đáng báo động là kết quả xét nghiệm Enterovirus trên bệnh nhân TCM khu vực phía Nam của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy, năm 2008 số ca nhiễm do EV 71 là 12%, năm 2010 tăng lên 20% và từ đầu năm 2011 đến 18-7 là 35%. Bác sĩ Phan Văn Tú - Viện Pasteur TP.HCM cho rằng: “Số ca TCM do virus EV 71 xuất hiện nhiều vào các tháng cuối năm - tháng 9, 10, 11, 12”. Theo đó, dự báo những tháng cuối năm số trường hợp TCM tử vong sẽ tăng.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, năm 2008 có 7.892 ca TCM đến khám, trong đó có 2.350 ca nhập viện và 6 ca tử vong. Năm 2009, ngoại trú là 9.391 ca, nội trú 2.232 ca, tử vong 5 ca. Đến năm 2010, ngoại trú tăng lên 9.998 ca, nội trú giảm còn 1.952 ca, tử vong là 4 ca. Đến tháng 7-2011, ngoại trú 13.330 ca, nội trú 3.580 ca, tử vong 17 ca (trong đó có 5 ca tử vong khi vừa nhập viện và 1 ca tử vong lớn tuổi - 13 tuổi).

Bác sĩ Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Khi bệnh nhân 13 tuổi nhập viện, các bác sĩ nghi là sốt xuất huyết bởi các triệu chứng thần kinh của bệnh nhân hầu như không có. Trong khi trẻ nhỏ mắc TCM độ 2 trở lên là có các triệu chứng như giật mình, run chi… Sau khi bệnh nhân 13 tuổi tử vong, các xét nghiệm cho thấy trẻ bị TCM do virus EV 71. Một trường hợp khác 11 tuổi, bệnh nhân có triệu chứng nổi hồng ban, khó thở, phù phổi. Các bác sĩ phải tiến hành lọc máu liên tục, bệnh nhân mới qua khỏi”.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng - Phó giám đốc bệnh viện cho biết: “Hiện tại, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 60-80 ca TCM mới. Trong đó có khoảng 15 ca nặng phải thở máy ở phòng hồi sức cấp cứu”.

Tại Đồng Nai, tính đến nay đã có trên 2.600 ca mắc và 14 ca tử vong (trong đó có 1 ca tử vong ngày hôm qua 21-7).

Trường học đối mặt với đỉnh dịch thứ hai

Một ca tay chân miệng bị biến chứng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phương Anh cho biết: “Mỗi năm có hai đỉnh dịch TCM, đỉnh dịch thứ nhất rơi vào tháng 3, 4, 5 và đỉnh dịch thứ hai rơi vào tháng 9, 10, 11. Thông thường đỉnh dịch thứ hai luôn luôn cao hơn đỉnh dịch thứ nhất. Dự báo đỉnh dịch thứ hai của năm nay sẽ cao hơn rất nhiều”…

Theo quy luật thì số ca TCM sẽ giảm mạnh vào tháng 6, tháng 7, tháng 8. Song năm nay, số ca bệnh không giảm mà lại tăng. Với tình hình này, TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng lo ngại: “Dịch bệnh sẽ kéo dài qua năm sau”.

Bác sĩ Đỗ Kiến Quốc - Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM cũng cho biết: “Các nghiên cứu ở một số nước có đông bệnh nhân mắc bệnh TCM cho thấy, chu kỳ tăng số trường hợp mắc bệnh là ba năm. Ở nước ta, năm 2008 là năm có số trường hợp mắc và tử vong do TCM cao hơn năm 2006, 2007, 2009 và 2010. Theo chu kỳ này thì năm 2011, số người mắc TCM sẽ tăng”…

Điều đáng quan ngại hơn cả là tháng 9, các em học sinh sẽ bước vào năm học mới, đúng lúc TCM vào đỉnh dịch thứ hai. Ngăn chặn dịch bệnh lây lan bằng cách nào, phải chăng là đóng cửa trường?

Theo quy định của ngành y tế thì trong một lớp mà có hai ca bệnh trong thời gian bảy ngày thì phải cho lớp này nghỉ học. Tuy nhiên, nếu học sinh nghỉ học thì không chỉ ảnh hưởng đến việc dạy và học của nhà trường mà còn ảnh hưởng đến việc đi làm của phụ huynh. Vả lại cũng có ý kiến cho rằng, đợi đến ngày thứ bảy thì virus đã có ở nhiều nơi trong lớp học cũng như trong trường. Theo đó việc đóng cửa lớp không khả thi.

Theo các chuyên gia phòng chống dịch thì, khi nhận học sinh (nhất là trẻ mầm non), nếu phát hiện các em nóng, sốt, giáo viên phải cương quyết không nhận và yêu cầu phụ huynh đưa trẻ tới cơ sở y tế khám bệnh. Học sinh chỉ trở lại trường khi không còn khả năng lây truyền bệnh cho cộng đồng.

Đại diện Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Trong hồ sơ bệnh án của bệnh nhân TCM, các bệnh viện nên ghi rõ bệnh nhân học ở trường nào. Lúc đó bên dự phòng sẽ nhanh chóng xuống trường làm vệ sinh, khử khuẩn dập tắt nguy cơ lây truyền”…

Bài, ảnh: Hòa Triều