Thứ sáu, 9/4/2010, 08h04

Dịch tả vào trường học từ… hàng rong

Uống những loại nước không rõ nguồn gốc như thế này, học sinh có nguy cơ mắc tả rất cao

Ông Lê Trường Giang - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Tính đến thời điểm này thành phố đã có 2 ca dương tính với phẩy khuẩn tả, đó là hai mẹ con bệnh nhân L.T.T. (25 tuổi) ngụ tại P.6, Q.8. Người mẹ có kết quả vào ngày 6-4, đứa con có kết quả ngày 8-4”.
Người bệnh đã từng bán nước trước cổng trường
Trước khi mắc bệnh vài ngày, chị L.T.T. được một người bạn bán nước (nước sâm, xi-rô, nước ngọt…) trước cổng Trường THCS Hồng Bàng, Q.5 nhờ bán hàng giùm. Nguyên nhân là do người bạn này mắc bệnh tiêu chảy. Ngay sau khi phát hiện bệnh nhân L.T.T. dương tính với phẩy khuẩn tả, Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm Y tế dự phòng TP và ngành y tế Q.8, Q.5 đã tiến hành phun xịt, khử khuẩn xung quanh khu vực nhà ở của chị cũng như Trường THCS Hồng Bàng. Đặc biệt, xe đẩy bán nước của người bạn bệnh nhân L.T.T. đã bị dẹp.
“Từ ngày 6-4 đến nay, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến Trường THCS Hồng Bàng nhưng chưa phát hiện bất kỳ trường hợp nào mắc bệnh. Song, trường vẫn trong diện có nguy cơ cao…”, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP khẳng định.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, trước cổng Trường THCS Hồng Bàng có khá nhiều người bán hàng rong. Nào là bán nước, bánh mì, trái cây… Và đây cũng là thực trạng chung ở nhiều trường học trên địa bàn thành phố.
5 biện pháp phòng chống dịch tả
Thời tiết nắng nóng nên nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa ngày một gia tăng. Trong đó, dịch tả là bệnh khá nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong, khả năng lây lan rất lớn. Vậy làm sao để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh?
Ông Lê Trường Giang cho biết: “Có 5 biện pháp phòng chống dịch tả, đó là ăn chín, uống xôi, rửa tay, khử khuẩn nguồn nước và diệt ruồi (nếu có)”. Theo đó, ông chỉ đạo ngành y tế 24 quận, huyện tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất nước đá, nước uống đóng chai - đóng bình. Nhân tháng hành động “Vệ sinh an toàn thực phẩm”, đẩy mạnh việc thanh tra các cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm sử dụng nguồn nước không đảm bảo. “Cương quyết đóng cửa những cơ sở không đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm”, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh.
Ông khuyên người dân sinh sống ở những nơi không có nước máy mà sử dụng nước giếng, nước vận chuyển bằng sà lan… nên báo ngay với y tế địa phương để khử khuẩn, xét nghiệm.
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ nói về cách nhận biết bệnh tả: “Người bệnh đi tiêu nhiều lần trong một thời gian ngắn, phân có màu trắng, mùi tanh và lợn cợn. Vì đi tiêu nhiều lần nên môi khô, mắt trũng, trẻ em khóc không có nước mắt. Đặc biệt, khi nhéo vào da thịt thì sự đàn hồi rất lâu. Thời gian ủ bệnh của một ca mắc tả thường là 5 ngày. Khi phát hiện những triệu chứng này, người bệnh cần phải tới bệnh viện gấp để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra…”.
Bài, ảnh: Hòa Triều
“Nhà trường cần phải giáo dục học sinh, vận động phụ huynh không cho con em mình ăn uống các loại hàng rong trước cổng trường. Bởi hầu hết hàng rong đều không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ như ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy và dịch tả…”, ông Lê Trường Giang khuyến cáo.