Thứ sáu, 6/11/2015, 10h15

Dịch tay chân miệng: Dễ lây nhanh trong trường mầm non

Bệnh nhi Nguyễn Võ Thị Quyên - 4 tuổi - nhiễm bệnh tay chân miệng tại Trường Mầm non (ảnh chụp tại BV Nhi đồng 1, sáng 5-11)

Báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, hiện nay trung bình mỗi ngày 47-50 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM) nhập viện. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 7.537 trường hợp TCM nhập viện. Điều đáng nói là đã có hàng chục chùm ca bệnh tại các trường mầm non...

Riêng tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, những ngày này, các bệnh nhi mắc bệnh TCM đến khám và điều trị tăng chóng mặt. Ngày 5-11, có mặt tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1, chúng tôi ghi nhận tất cả các phòng bệnh, hành lang đều chật kín...

* Bà Trương Thị Mỹ Nguyệt (tỉnh Tây Ninh) - bà ngoại của bệnh nhi Như Thiên Kỳ (15 tháng tuổi): Ngày 28-11, cháu tôi sốt và nổi mụn nước nên cho đi khám tại BV Nhi đồng 1. Bác sĩ kêu nhập viện. Nằm viện đến ngày 1-11 thì bác sĩ cho về và dặn nếu có dấu hiệu gì bất thường thì phải nhập viện lại. Đến ngày 3-11, bé sốt và ói nên gia đình đưa vào BV Nhi đồng 1. Dự kiến chiều nay (5-11), cháu tôi sẽ xuất viện. Khu vực nhà tôi ở cách hàng xóm khá xa, cháu tôi chưa đi học mầm non và cũng không chơi với đứa trẻ nào, vậy mà không hiểu sao lại mắc bệnh này?

Bà Nguyệt và bé Thiên Kỳ

* Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - tổ 1, ấp 2, xã Quy Đức, H.Bình Chánh, TP.HCM - bà ngoại của bệnh nhi Thái Hoàng Gia Hân (25 tháng tuổi): Cháu tôi bị lây bệnh từ mấy đứa trẻ gần nhà. Trước đó, ở đây đã có 4-5 trẻ mắc bệnh TCM. Về phần cháu tôi, bắt đầu sốt từ ngày 31-10, ngày 1-11 cho lên BV Nhi đồng 1 khám. Bác sĩ nói bé bị bệnh TCM nhưng nhẹ nên cho về nhà và dặn 3 ngày sau tới tái khám. Ngày 4-11, tới tái khám, bác sĩ kêu nhập viện.

Bà Yến và bé Gia Hân

* Bệnh nhi Nguyễn Võ Thị Quyên (4 tuổi) đang học tại Trường Mầm non Thị trấn Vĩnh Bình, H.Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang lây bệnh từ các bạn trong lớp (lớp có 3-4 bé đã mắc bệnh TCM). Chiều thứ 6 (ngày 30-10), đi học về, bé bắt đầu sốt nên được mẹ mua thuốc cho uống nhưng không bớt. Sau đó bé được ba mẹ đưa đi bác sĩ tư, bác sĩ nói viêm họng và cho thuốc về nhà uống. Ngày thứ 7 (31-10), bé bệnh nặng hơn, ăn không được. Cùng lúc gia đình phát hiện tay chân và họng của bé nổi mụn nên đưa lên BV huyện khám. Bác sĩ cho thuốc và kêu về nhà. Khoảng 3 giờ sáng ngày 1-11, bé sốt cao và co giật nên mới 4 giờ sáng bé đã được ba mẹ đưa vội lên BV Nhi đồng 1. Ngay lập tức bác sĩ yêu cầu nhập viện...

* Chị Nguyễn Thị Đông - ấp 4, xã Minh Tâm, H.Hớn Quản, tỉnh Bình Phước - mẹ của bệnh nhi Trương Quân Tân (3 tuổi): Vợ chồng tôi trồng rừng thuê nên cả gia đình sống trong rừng. Ở đó nhà này cách nhà nọ khoảng 15km. Con tôi không chơi với trẻ lạ, cũng chưa đi học mà vẫn bị bệnh. Ngày 2-11, thấy con sốt nên tới BV huyện khám. Bác sĩ ở đây bảo cháu có triệu chứng của bệnh TCM. Nghe vậy, vợ chồng tôi bắt xe đò đưa con lên BV Nhi đồng 1 khám. Khám xong là bác sĩ kêu nhập viện luôn.

Chị Đông và bé Tân

Bài, ảnh: Hòa Triều

Nên thực hiện 4 sạch

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 - cho biết: “Để chủ động phòng chống bệnh TCM, mọi người và nhất là trẻ em, người chăm sóc trẻ nên thực hiện 4 sạch: Ăn (uống) sạch; ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám và thông báo cho y tế địa phương. Đối với trẻ đang đi học, phụ huynh  phải cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan bệnh TCM trong trường học. Còn giáo viên, khi thấy trẻ nghỉ học phải hỏi phụ huynh coi vì sao nghỉ. Nếu nghỉ vì mắc bệnh TCM thì phải tìm cho ra bé thứ 2, thứ 3... mắc bệnh. Đồng thời làm vệ sinh triệt để, có như vậy mới không hình thành chùm ca bệnh trong trường mầm non. Với những trẻ chưa đi học, không tiếp xúc với trẻ khác mà vẫn mắc bệnh là do lây từ người lớn. Người lớn khi bị bệnh thường rất nhẹ và không có triệu chứng. Vì vậy, trước khi tiếp xúc với trẻ, người lớn phải rửa tay bằng xà bông thật sạch...