Chủ nhật, 2/11/2008, 16h12

Dịch vụ ăn theo mưa hốt bạc

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Lau bu gi, nổ máy: 40.000 đồng, khiêng xe qua vũng ngập lấy cả trăm nghìn, cứu hộ ôtô: 500.000 đồng... các dịch vụ ăn theo mưa đang mặc sức móc túi người mắc kẹt.

22h, nước hồ Ngọc Khánh vẫn tràn trên đường Nguyễn Chí Thanh. Hàng trăm người tham gia giao thông lội bì bõm dắt chiếc xe máy qua đoạn đường dài khi nước mưa dâng cao gần một mét. Mỗi lần ôtô lao qua, sóng lại quật ngã một số người.

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

> Hà Nội: Giao thông hỗn loạn, công sở vắng bóng

> Hà Nội: Sạt mái đê sông Hồng, một học sinh tụt cống mất tích

Dịch vụ lau bugi di động tại tuyến phố Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Tiến Dũng.

Thấy hai người phụ nữ dắt chiếc xe SCR ngã dưới dòng nước, 5 thanh niên mặc bộ quần áo công nhân lao đến dựng chiếc xe. "Đưa lên đoạn khô đầu đường Kim Mã em chỉ lấy 100.000 đồng", họ chào mời. Gương mặt tái xanh vì lạnh, người phụ nữ chấp nhận.

Nhóm thanh niên này cho hay, họ đang làm cho một công trường gần đó, thấy đường ngập nặng nên tranh thủ ra ngoài đường kiếm tiền. Chỉ trong 5 giờ, họ đã kiếm được gần 3 triệu đồng.

Cũng tại tuyến đường trên, dịch vụ trông giữ xe máy qua đêm cũng đắt khách. Không chờ nước rút, không chịu bỏ tiền để đội "cứu hộ" giúp đỡ, nhiều người tham gia giao thông lao vào những con ngõ nhỏ trong khu tập thể để gửi xe với giá 10.000-15.000 đồng (đến 24h) và 30.000 đồng (qua đêm). Tuy nhiên, hầu hết những người trong giữ xe đều cho biết chỉ nhận trông giữ đến 24h.

"Nhà chị chật lắm, giờ không nhận bất cứ chiếc xe nào. 5 thành viên trong gia đình đã phải huy động ra để trông gần 50 chiếc xe ở phía ngoài cũng đủ mệt lắm rồi...", chị Thanh, chủ trông giữ xe gần Đài truyền hình Việt Nam nói.

Các tuyến Láng Hạ, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Liễu Giai, Ngọc Khánh, Huỳnh Thúc Kháng, Thái Thịnh... nước ngập sâu cũng khiến hàng trăm phương tiện bị chết máy. Dịch vụ "giúp đỡ" các thượng đế cũng nhanh chóng được mọc lên.

23h đêm qua, tại các cửa hàng sửa xe máy ở Nguyễn Chí Thanh, Thái Thịnh, Thái Hà... dòng người vẫn nhấp nhổm chờ đến lượt được sửa chữa. Giá mỗi lần lau bugi giao động 30.000-40.000 đồng, bằng một nửa ngày lương của người có thu nhập bình thường.

Không riêng thợ sửa chuyên nghiệp, cánh xe ôm, thợ cắt tóc, nhân viên bảo vệ một số cửa hàng cà phê giải khác cũng mang vài thứ đồ ra để kiếm ăn. "2h sáng, tôi mới về nhà, sáng nay, 6h đã phải dậy...", một người đàn ông ngoài 50 tuổi sống ở khu tập thể Vĩnh Hồ nói về quãng thời gian kiếm tiền trong trận mưa kỷ lục ở Hà Nội.

"Lau bugi có gì khó khăn, chỉ nhoắng cái là xong. Nhưng mỗi lần làm, anh thường kéo dài thời gian ra, vờ khó khăn một tí để moi tiền của khách", người đàn ông chuyên đi xe ôm tiết lộ cách moi tiền khách hàng. Theo người đàn ông này, loại khách họ thường nhắm đến là phụ nữ hoặc những chiếc xe tay ga đắt tiền.

Sáng nay, theo ghi nhận của chúng tôi, những phương tiện dịch vụ như xe ôm, taxi chỉ dám đứng đón khách ở những điểm khô ráo. Giá xe ôm đã tăng gấp 2 gấp 3 ngày thường.

Các hãng cứu hộ hoạt động hết công suất nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Ảnh: Tiến Dũng.

"Tôi đã gọi đủ loại taxi nhưng chẳng có hãng nào dám vào, kể cả trả giá cao. Tôi lại phải lội ra những địa điểm không bị ngập lụt để bắt xe ôm với giá 50.000 đồng cho 3 km...", một người phụ nữ ở khu tập thể Thành Công nói với chúng tôi.

Sáng nay, chị Thư (Thanh Xuân) không dám nổ máy chiếc tay ga hằng ngày vẫn sử dụng. Sau gần 1km đi bộ, chị mới bắt được xe ôm. "Họ quát giá khá cao. Tuy nhiên, sau một hồi kì kèo, tôi đã phải trả 60.000 cho đoạn đường hơn 4km...", chị Thư nói.

Trong hai ngày qua, dịch vụ cứu hộ giao thông như 116, Hasco, Giải Phóng... đã phải hoạt động hết công suất nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu của người có nhu cầu.

"Tôi chỉ loanh quanh ở các phố thuộc quận Đống Đa như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyên Hồng, Thái Hà. Còn lại đều phải từ chối ..." anh Phương lái xe cứu hộ Trung tâm sửa chữa ô tô Hasco nói. Anh cho biết, đêm 31/10, anh phải thức đến 1h sáng để kéo xe về xưởng sửa chữa. Sáng nay, máy điện thoại của anh báo có hơn 100 cuộc gọi nhỡ.

Theo anh Tuấn, giá tiền cứu hộ xe ôtô những ngày này không tính theo km như trước đó. Mỗi chiếc xe được lôi ra khỏi địa điểm úng ngập, chủ phương tiện phải chi trả 500.000. "Chúng tôi lấy thế vẫn còn rẻ đấy. Có hãng còn lấy đến 700.000 đồng...", Tuấn cho biết.

Chỉ trong 2 ngày chàng thanh niên này đã có hơn 10 triệu đồng bỏ túi. "Chỉ có vài chai nước Lavie bỏ bụng tôi vẫn cố. Mai nước rút rồi làm gì có cơ hội ngon ăn như thế này...", Tuấn cười nói.

Hà Anh (Theo VNE)