Thứ ba, 6/3/2012, 11h03

Dịch vụ vay nóng bủa vây lao động nghèo

Phút thư giãn hiếm hoi của Nguyễn Văn D. trong dịp Tết Nhâm Thìn 2012

Tình trạng cho vay nặng lãi phát triển “rầm rộ” ở nhiều nơi hiện đang gây ra không ít chuyện đau lòng. Những ai đã lỡ cậy nhờ đến các dịch vụ vay nóng thì kể như phải trả giá đắt bằng mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cả tính mạng của mình…
Vay nóng, cần là có
Hiện nay hầu như mọi ngõ ngách của TP.HCM đều có sự hiện diện của giới cho vay nặng lãi, muốn gõ cửa các dịch vụ này là chuyện... dễ như trở bàn tay. Một buổi chiều tháng 2 nóng nực, chúng tôi bắt gặp bà Lê Thị T. (ở trọ tại Q.3, TP.HCM) trong tình cảnh bị một phụ nữ đáng tuổi… con cháu chửi như tát nước vào mặt ngay trước cổng một trường mầm non ở Q.3. Nét ngượng ngùng, xấu hổ hiện rõ trên gương mặt nhăn nheo khi nhiều cặp mắt của các bậc phụ huynh đi đón con đổ dồn vào bà T. vì đang giờ tan trường. Sau một hồi “chịu trận”, bà T. lí nhí… xin lỗi, khất nợ người đàn bà kia rồi lầm lũi ra về. Qua nội dung câu chuyện giữa họ, người đi đường dễ dàng nhận ra đây là vụ va chạm giữa chủ và con nợ. Nhiều bậc phụ huynh cho biết, đằng sau vẻ ngoài trá hình bằng quán nước lề đường, đường dây cho vay nóng của chủ nợ này đã ngang nhiên hoạt động ở đây khá lâu rồi. Bà T. phân trần với tôi: “Đã đóng lời cho nó mấy năm nay mà nó dứt khoát không bỏ qua cho mình chút đỉnh. Chỉ còn nợ mấy trăm ngàn mà nó chửi té tát vậy đó cô. Tính mượn thêm một dây nữa mà nó làm tôi nản quá. Thôi để đi mượn người khác”. “Dễ mượn vậy sao dì?”, tôi hỏi. Bà T. nói như đinh đóng cột: “Thiếu gì, nếu chịu viết giấy vay nợ thì muốn mượn bao nhiêu cũng có, chỉ sợ không đủ sức đóng lời thì bị tụi nó siết nợ thôi…”.
Chủ yếu “đánh” người nghèo
Nếu như những gia đình khá giả ít khi tìm đến các dịch vụ cho vay nóng thì hiện tượng người nghèo đi vay nặng lãi lại đang trở nên vô cùng... phổ biến. Theo chân chị Lê Mai C. - ngụ Q.4 - về nhà, chúng tôi gặp một thanh niên có hoàn cảnh thật đáng thương. Nguyễn Văn D. (cùng ngụ Q.4) được chị C. cho vào nhà tá túc trong tình trạng vô gia cư vì mẹ “rước” dượng kế về nhà sau khi cha D. bỏ đi với người đàn bà khác không lâu. Ngỡ rằng làm như vậy là có thể giúp D. ổn định được cuộc sống với công việc bán vé số hàng ngày, nhưng chị C. tá hỏa khi tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của D. Mỗi ngày D. phải xoay xở cho đủ 250 ngàn để trang trải các khoản tiền vay nặng lãi. Trong khi đó, khoản thu nhập mỗi ngày từ việc bán vé số chỉ hơn 100 ngàn đồng. Không còn cách nào khác, D. phải đi làm bảo vệ cho nhà hàng vào buổi tối. Mỗi ngày, quỹ thời gian để vừa tắm giặt vừa ngủ chỉ vỏn vẹn sáu tiếng (từ 2 giờ đến 8 giờ sáng). Các khoản tiền ăn uống bị cắt giảm đến mức tối đa. D. thật lòng: “Cũng may là em to xác vậy nên mới không gục xuống chứ nhiều bữa đói rã ruột đó chị”. Nhưng cái khó về tiền bạc vật chất cũng chưa thấm tháp gì so với nỗi khổ về tinh thần. D. thường xuyên rơi vào tình trạng hoảng loạn vì không phải ngày nào cũng kiếm đủ “sở hụi” để góp sách nên bị chủ nợ chửi bới, hăm dọa thậm chí là lăng nhục. Điều khiến chúng tôi choáng hơn cả là D. đã có “thâm niên” mượn tiền nóng tới 13 năm, dù tuổi đời chỉ mới 25. Hỏi D. sao không cầu cứu mẹ, cậu trả lời gọn lỏn: “Mẹ còn nợ xã hội đen nhiều hơn em”. Không nỡ ngồi nhìn D. bị hủy hoại từng ngày, chị C. bấm bụng cắt giảm nhiều khoản chi tiêu trong gia đình để giúp D. từ từ giải quyết các món nợ “chết người”.
Vợ chồng bà L.T.N, ngụ ấp Hậu Lân, xã Bà Điểm, Hóc Môn cũng có vài năm qua lại với các đường dây cho vay nóng. Dáng người gầy gò khắc khổ, da đen nhẻm vì suốt ngày lăn lộn với công việc mua bán ve chai, bà N. buồn rầu cho chúng tôi biết hiện mỗi ngày bà phải gom góp tiền bạc đóng cho chủ nợ 160 ngàn đồng. “Đó mới chỉ là đóng lời thôi cô, chứ nợ gốc 4 triệu đồng thì còn hoài, bốn năm nay tôi mất ăn mất ngủ vì nó đó”. “Tiết lộ” của bà N. khiến tôi “vỡ” ra vì sao khoản thu nhập 500 ngàn/ ngày của hai ông bà lại không đủ trang trải cho cuộc sống đạm bạc của họ. Lấy lý do bản thân cũng đang gặp khó khăn về tiền bạc, chúng tôi xin địa chỉ chủ nợ của bà N. để... cậy nhờ thì được bà nhiệt tình hướng dẫn: “Không có địa chỉ cố định đâu cô. Nhà chú này cũng ở Hóc Môn, muốn gặp thì phải gọi điện thoại trước vì chú đi mua đầu máy ti vi cũ khắp nơi, tới giờ chiều mới chạy về đây (Q.3, nơi bà N. đang mua bán ve chai - PV) lấy tiền góp. Hơn nữa muốn mượn tiền của chú này phải là chỗ quen biết, có công việc và thu nhập ổn định...”. Nói vậy nhưng bà N. vẫn cung cấp cho chúng tôi số điện thoại của chủ nợ (0908315...) và dặn dò: “Cẩn thận nhe cô, ở xóm tôi tới 4, 5 gia đình mất nhà vì vay nóng rồi đó...”.
Không ít người dân ở khu chợ Vườn Chuối, Q.3, TP.HCM biết rõ chuyện buồn của gia đình ông L. Gia đình đông con này đã rơi vào nghèo đói, túng quẫn trong nhiều năm liên tiếp vì dính dáng tới nhiều đường dây cho vay nặng lãi. Tới khi căn nhà rách nát đã xuống cấp, không có tiền sửa sang, gia đình ông L. buộc phải bán nhà để chuyển về sống ở một huyện ngoại thành thì đa số các con ông đều phải “bí mật” ra đi và mang theo những khoản nợ của giới cho vay nặng lãi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ phải trốn chui chốn nhủi, không dám quay về chốn cũ để tránh gặp chuyện chẳng lành…
Phải tự cứu
Không khó để nhận diện những hậu họa của hoạt động bất hợp pháp này qua các vụ va chạm kinh hoàng giữa kẻ cho vay và người vay đã xảy ra trên thực tế. Và pháp luật không dễ bảo vệ nạn nhân khi mà chính họ cũng là nguyên nhân tạo nên những rào cản để đưa vụ việc ra ánh sáng. Nhiều trường hợp, sau khi làm giấy vay nợ, chủ vay đã lấy ngay tiền lãi khiến số lãi không được thể hiện bằng văn bản. Điều này giúp chủ vay có thể dễ dàng đưa con nợ ra tòa và dùng những công cụ trợ giúp của pháp luật để đòi nợ. Giới cho vay nặng lãi có 1.001 kiểu siết nợ với lãi suất cắt cổ. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều người nhắm mắt đưa chân vào thế giới ngầm này.
Chỉ điểm qua một vài khu phố của Q.4, TP.HCM, danh sách người nghèo “chuyên” đi vay nặng lãi đã dài dằng dặc. N.V.H bán rau, Đ.T.K bán hủ tiếu, M.Q.O bán chè... là những gương mặt mà hầu như các “đàn anh đàn chị” trong thế giới ngầm này đều thông hiểu gia cảnh, công việc, thu nhập để dễ bề thâu tóm và xử lý khi có biểu hiện “chạy làng”.
Ở một khu phố của Q.3, TP.HCM, những biệt danh như Q. “tử hình”, T. đen... từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của những người “chuyên” đi vay nặng lãi vì mức độ “chặt chém” của các nhân vật này, tuy nhiên không vì thế mà họ bị hạn chế “đất dụng võ”. Theo nhiều “giai thoại” được người dân truyền miệng, các “đàn anh” trong giới cho vay này đã từng đem nhớt pha... xăng đến đổ tràn nhà con nợ, thậm chí còn tạt cả lên tường để... dằn mặt. Và đã có một số gia đình phải “chuyển” quyền sở hữu nhà cho họ chỉ với chiêu dằn mặt này.
Trên thực tế, trong khi số lượng nạn nhân rơi vào cảnh bị “xã hội đen” siết nợ nhà cửa, tài sản ngày càng gia tăng thì số vụ bị bắt giữ và khởi tố vì tội cho vay nặng lãi trên địa bàn cả nước lại không nhiều. Vụ treo cổ tự vẫn của ông Đỗ Mạnh Hoan ở Hà Nội vì uất ức khi vừa mất nhà vừa bị chủ nợ giam lỏng gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với những ai còn coi thường mức độ nguy hiểm của dịch vụ cho vay nóng. Người dân nên tỉnh táo, làm chủ bản thân để không sa chân vào bẫy của những kẻ làm ăn bất chính.
Hương Lài
Theo các chuyên gia luật, để hạn chế và xóa bỏ nạn cho vay nặng lãi đang nở rộ hiện nay, người dân đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Vì các vụ việc này chỉ bị đưa ra pháp luật khi nó đã được biến thành các tội danh liên quan: cưỡng đoạt tài sản, hành hung người khác, làm nhục người khác…